Bệnh hạ cam mềm
Hạ cam mềm là một bệnh cấp tính, lây truyền qua đường tình dục. Bệnh làm tăng khả năng lây truyền HIV từ 5 đến10 lần hoặc cao hơn. Theo thống kê, bệnh có mặt khắp nơi, đặc biệt ở các nước đang phát triển, nhất là khu vực châu Phi. Tại Việt Nam, bệnh hay gặp ở các tỉnh phía Nam; nam mắc bệnh nhiều hơn nữ.
Tác nhân gây bệnh là trực khuẩn Gram (-) Hemophilus ducreyi. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp, chủ yếu lây qua quan hệ tình dục không an toàn. Thời gian ủ bệnh thường từ 3 đến10 ngày. Nam giới đi khám vì có dấu hiệu vết loét hoặc viêm đau hạch bẹn.
Ở phụ nữ triệu chứng thường không rõ, biểu hiện tùy thuộc vào vị trí thương tổn khu trú: đau khi đi tiểu, đại tiện, chảy máu trực tràng, đau khi giao hợp hoặc ra khí hư. Ở cả 2 giới, biểu hiện đầu tiên là sẩn mềm, sau 1-2 ngày biến thành vết loét mềm và đau. Thường có nhiều vết loét do tự lây nhiễm và nữ nhiều hơn nam. Ở nam giới, vết loét xuất hiện ở bao quy đầu, rãnh quy đầu, thân dương vật. Ở phụ nữ vết loét xuất hiện ở âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, hậu môn... và ở các vị trí ngoài bộ phân sinh dục như vú, niêm mạc miệng, ngón tay, đùi. Hạch bẹn thường ở một bên và thường 1-2 tuần sau khi thương tổn đầu tiên xuất hiện. Hạch sưng, nóng đỏ, đau, sau đó trở nên mềm lùng nhùng và vỡ tự nhiên. Hạch bẹn gặp ở 1/3 số bệnh nhân. Toàn thân có thể sốt nhẹ và mệt mỏi.
Bệnh không gây nhiễm khuẩn toàn thân hoặc lây truyền sang các cơ quan xa. Bội nhiễm vi khuẩn yếm khí có thể gây loét hoại thư và phá hủy cơ quan sinh dục. Ở bệnh nhân bị HIV/AIDS, vết loét lớn hơn và lâu lành hơn. Hạ cam mềm không thấy xuất hiện ở trẻ sơ sinh dù người mẹ đang bị bệnh.
Sau 1 tuần điều trị đúng thì vết loét tiến triển tốt, hạch bẹn khỏi chậm hơn. Khoảng 10%-15% bệnh nhân đồng thời mắc cả giang mai và hạ cam mềm nên cần xét nghiệm huyết thanh trong vòng 3 tháng. Phải xét nghiệm HIV cho bệnh nhân vì giống như các bệnh có loét sinh dục khác, bệnh này làm tăng khả năng lây truyền HIV rất cao.