Bệnh lao chưa được quản lý tốt
Ghi nhận của Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc thạch (TPHCM) về tình hình mắc bệnh lao và chương trình phòng chống lao trên địa bàn TPHCM cho thấy trung bình hằng năm, có khoảng 15.000 bệnh nhân lao, trong đó khoảng 25% - 30% bệnh nhân lao là người nhập cư. Con số này được đưa ra tại hội thảo “Bạn, tôi và chúng ta cùng ngăn chặn bệnh lao” được tổ chức vào cuối tuần qua.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Đức, Bệnh viện Phạm ngọc Thạch, đang khám cho một bệnh nhân
Theo thạc sĩ – bác sĩ Trần Ngọc Bửu, BV Phạm Ngọc Thạch, mặc dù hiện nay bệnh nhân lao được điều trị miễn phí theo chương trình chống lao quốc gia nhưng vẫn có khoảng 30% bệnh nhân lao chọn y tế tư là nơi khám bệnh. Trong số những bệnh nhân được điều trị thì có đến 37% bệnh nhân lao bỏ trị nửa chừng. Bác sĩ Đặng Minh Sang, BV Phạm Ngọc Thạch, cho biết nhiều người chọn y tế tư để điều trị lao là để tiết kiệm thời gian chờ đợi và tránh được các thủ tục hành chính mà theo họ là rắc rối. Có khoảng 20% bệnh nhân lao sau khi được phát hiện tại BV Phạm Ngọc Thạch khi chuyển về địa phương đã không đăng ký điều trị. Kết quả điều trị lao của các bệnh nhân lựa chọn y tế tư vẫn không khả quan so với kết quả điều trị trong khu vực y tế Nhà nước. Chỉ có 1/3 bệnh nhân dùng thuốc điều trị từ 6 tháng trở lên, 2/3 bệnh nhân còn lại không điều trị đủ liều trình tối thiểu nên chỉ có 20% bệnh nhân lao lành bệnh.
Hiện nay, tại TPHCM, tỉ lệ lao đa kháng thuốc là 3,8% trong số bệnh nhân mới và trên 22% ở bệnh nhân lao tái trị, cao hơn so với tình hình kháng thuốc của cả nước. Thạc sĩ – bác sĩ Trần Ngọc Bửu cho rằng chính việc bỏ điều trị của người bệnh đã làm gia tăng tình trạng lao kháng thuốc và họ cũng làm lây lan nguồn lao trong cộng đồng nhưng lại chưa được quản lý chặt chẽ. Do đó, trong năm 2009, chương trình chống lao TP sẽ phối hợp với Hội Hành nghề y dược tư nhân nhằm tạo ra sự phối hợp giữa y tế công – tư trong chương trình phòng chống lao.