Cá viên chiên có vị chát bởi... hàn the!
Cá viên chiên - một món ăn quen thuộc của nhiều người, nhất là trẻ em. Vì vậy, lâu nay mặt hàng này được bán rất nhiều trước cổng trường, khu dân cư, khu lao động. Tuy nhiên, nhiều người dân sử dụng món ăn này, phản ánh: Gần đây khi ăn cá viên chiên thấy có vị chát, cảm giác tê đầu lưỡi...
Trong vai một người tìm mua cá viên mang ra ngoại thành bỏ mối, chúng tôi đến cơ sở sản xuất cá viên trên đường Nguyễn Chí Thanh nối dài, Q.11 - TPHCM. Đây là nơi cung cấp cá viên cho hầu hết tiểu thương bán lẻ tại các chợ trên địa bàn TPHCM nhưng cơ sở này hoàn toàn không bảng hiệu.
"Chưa chạy được giấy đăng ký chất lượng!"
Cơ sở sản xuất nằm sâu trong hẻm, xây tường kín, chỉ chừa một cửa chính và một cửa hậu nhỏ. Nếu không nhìn thấy những bịch cá viên, xúc xích thành phẩm để trước cửa và mùi cá tanh khó ngửi phát ra từ cơ sở, khó ai có thể đoán được đó là nơi sản xuất.
Bà chủ cơ sở chào hàng: “Cá viên loại ngon giá 32.000 đồng/kg, loại thường 28.000 đồng/kg. Khách mua 2 - 3 kg trở lên, nếu có nhu cầu, cơ sở sẽ có người giao hàng tận nơi”. Cá viên thành phẩm được cho vào bịch ni lông (từ 0,5 kg – 2 kg) rồi đem bán, hoàn toàn không có nhãn mác kèm theo. Khi chúng tôi đề nghị được xem giấy đăng ký chất lượng, bà chủ từ chối khéo: “Khi nào khách có nhu cầu mua vài trăm ký trở lên, cơ sở mới “chạy” giấy tờ, không thì thôi. Mỗi lần “chạy” giấy tốn tiền lắm”. Bà chủ cơ sở tìm cách thuyết phục: Nguyên liệu làm cá viên rất kén, chỉ sử dụng cá lạt, cá ba sa, cá thác lác và khẳng định không sử dụng chất phụ gia độc hại. Chúng tôi hỏi: “Làm cách nào để viên cá được trắng, dai, thơm và bảo quản được lâu?”. Bà chủ cười cười: “Phải ướp thêm gia vị thì cá mới ngon” và từ chối tiết lộ đó là gia vị gì. Để ý quan sát, chúng tôi thấy trong góc nhà có rất nhiều bao giấy (loại đựng đậu, đường, bột người Hoa thường sử dụng) chứa bột trắng “gia vị”.
Cơ quan chức năng: Chưa bao giờ kiểm tra
Trao đổi với thạc sĩ - bác sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, xung quanh việc kiểm tra, kiểm nghiệm mặt hàng cá viên chiên nói chung và cơ sở sản xuất cá viên chiên nói trên, ông cho biết: Hiện chưa thể thống kê được số cơ sở, đơn vị kinh doanh nhóm mặt hàng thường sử dụng hàn the nên việc quản lý rất phức tạp. Cơ quan chức năng chỉ có thể quản lý được các cơ sở có đăng ký kinh doanh, còn những cơ sở gia đình, nhỏ lẻ thì không thể kiểm soát. Thậm chí, ngay cả những đơn vị có đăng ký cũng không bảo đảm chất lượng vì thực phẩm ra hằng ngày, hằng giờ. Rất nhiều cơ sở sản xuất khi gửi mẫu cho đơn vị kiểm tra thì đạt yêu cầu nhưng thực tế sản xuất lại không đạt.
Mỗi năm, Viện Vệ sinh y tế công cộng và Trung tâm Y tế dự phòng đều có những đợt kiểm tra, lấy mẫu sản phẩm để xét nghiệm. Theo kết quả thống kê của Viện Vệ sinh y tế công cộng dựa trên mẫu xét nghiệm năm 2003, có đến 73,68% các loại bánh cuốn, giò chả, giò sống, chả lụa, bánh phở, bánh đúc... có sử dụng hàn the. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa cơ quan nào tiến hành lấy mẫu cá viên chiên bán tại chợ lẻ, xe đẩy xét nghiệm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Một cán bộ Khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm - Trung tâm Y tế dự phòng, lý giải: Do không có kinh phí nên trung tâm chưa tiến hành lấy mẫu cá viên về xét nghiệm. Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, vấn đề không phải ở chỗ có hay không có kinh phí. Rất nhiều cán bộ ngành y tế khẳng định: “Không cần kiểm tra cũng biết thực phẩm đường phố mất vệ sinh, có sử dụng hàn the” nhưng có lẽ mặt hàng cá viên quá nhỏ nhặt nên... chưa được “để ý”. Trong khi đối tượng tiêu dùng chính mặt hàng này lại là trẻ nhỏ, độc tố để lại và mức ảnh hưởng đối với cơ thể là rất lớn.
Kết quả kiểm tra của Báo Người Lao Động: Cá viên chiên chứa hàn the ở cấp độ cao Ngày 3-8, phóng viên Báo NLĐ mang mẫu cá viên chiên của cơ sở trên đến Viện Vệ sinh y tế công cộng xét nghiệm hàn the. Kết quả xét nghiệm là dương tính (++). Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng, giải thích: Mức độ (+...) cho biết lượng hàn the sử dụng nhiều hay ít. Cụ thể: (+) là có sử dụng, (++) là sử dụng nhiều, (+++) là rất nhiều. Vì hàn the nằm trong danh mục cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm nên khi xét nghiệm không cần xác định số lượng sử dụng, nếu phát hiện có hàn the thì sản phẩm đã không đạt chất lượng, sẽ bị hủy và lập biên bản xử phạt cơ sở chế biến. Theo tài liệu của Bộ Y tế, hàn the còn có tên gọi là hồng sa, băng sa, nguyên thạch, bần sa. Tên khoa học là Sodium tetraborate (Na2B4O7.10H2O), là muối của axit boric (H3BO4), có tên thương mại là borax... là chất bột không màu, không mùi, vị đắng, tinh thể dạng bột hoặc hột trắng. Độc tố của hàn the khi vào cơ thể người, 85% sẽ thoát ra ngoài theo nước tiểu, phân, mồ hôi, còn lại 15% sẽ tích lũy trong mô mỡ, mô thần kinh... Độc tính trong hàn the khi ăn phải có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau co cứng cơ, chuột rút vùng bụng, ban đỏ ở da và màng niêm dịch, có thể gây trụy tim, nhịp tim nhanh, người xanh tím, hoang tưởng, co giật, hôn mê. Có thể chết khi cho trẻ con ăn 5 gam hoặc người lớn ăn 5-20 gam axit boric. Nếu tích tụ nhiều trong cơ thể sẽ bị bệnh Birisin (khô da, phát ban, rối loạn dạ dày), có hại cho gan, thận... và có khả năng ung thư. T. Nhân |