Các loại bướu ổ bụng trẻ em thường gặp
Khoảng 30% trẻ vào khám tại Khoa Ngoại ở các bệnh viện (BV) Nhi Đồng TPHCM vì biếng ăn, bụng to bất thường và có bướu sờ được ở bụng.
Bác sĩ Trần Chánh Khương, Trưởng Khoa Ung Bướu Nhi BV Ung Bướu TPHCM, cho biết các loại bướu ổ bụng thường gặp ở trẻ em là bướu gan, bướu thận, bướu thượng thận, bướu sau phúc mạc.
Triệu chứng điển hình: Bụng to, biếng ăn, suy nhược
Bướu gan thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, là bướu nguyên bào gan. Trẻ trên 10 tuổi thường bị carcinôm tế bào gan. Nguyên nhân là do nhiễm siêu vi viêm gan B (HBV) từ lúc còn bé. Vì vậy đây là căn bệnh có thể dự phòng bằng chủng ngừa viêm gan B (HBV) cho tất cả trẻ sơ sinh. Khi bướu gan còn nhỏ và khu trú, bệnh có khả năng điều trị khỏi bằng cách mổ lấy trọn khối bướu.
90% bướu thận ở trẻ là bướu nguyên bào thận (còn gọi là bướu WILMS’). Nguyên nhân gây bệnh chưa biết rõ. Tuy nhiên ở một số trường hợp có liên hệ với hiện tượng đột biến gien di truyền. Dấu hiệu của những bệnh bướu ổ bụng rất giống nhau như bụng to, biếng ăn, cơ thể suy nhược và có bướu sờ được. Phương pháp điều trị chủ yếu hiện nay là cắt bỏ thận có bướu kết hợp với hóa trị sau phẫu thuật. Tình trạng bệnh nhân được cải thiện rõ rệt sau điều trị. Nếu bướu nhỏ và còn khu trú thì 90% bệnh nhân có thể khỏi bệnh.
Với loại bướu thượng thận, đa số là bướu nguyên bào thần kinh. Khoảng 70% trẻ mắc bệnh bướu nguyên bào thần kinh được phát hiện trễ, khi bướu đã lớn hoặc có di căn đến tủy xương, vì thế việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Đối với bướu tế bào mầm thường xuất hiện ở buồng trứng bé gái và tinh hoàn bé trai, tuy chưa biết rõ nguyên nhân gây bệnh nhưng kết quả điều trị rất khả quan. Nếu được phát hiện sớm thì 80% có khả năng khỏi bệnh. Nếu cha mẹ phát hiện trẻ trai thiếu tinh hoàn thì nên nghi ngờ trẻ đã mắc bệnh bướu tế bào mầm. Cách điều trị đối với loại bướu này là cắt bỏ bướu và sau đó áp dụng hóa trị.
2/3 tử vong do nhập viện trễ
Bướu ổ bụng khi ở giai đoạn sớm dễ bị chẩn đoán nhầm lẫn với những bệnh về tiêu hóa, nên thường được phát hiện và điều trị ở giai đoạn muộn, khi bướu đã to, có thể sờ thấy khối u trong bụng. Bác sĩ Trần Chánh Khương lưu ý khi thấy trẻ có bụng to bất thường hay có dấu hiệu bướu trong ổ bụng, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám ngay ở bệnh viện có chuyên khoa ngoại nhi hay khoa ung bướu nhi. Bướu ổ bụng là bệnh tiến triển rất nhanh, từ lúc trẻ có dấu hiệu ban đầu đến khi bướu to chỉ trong vòng 1 - 2 tháng. Khoảng 2/3 trẻ bị tử vong do nhập viện trễ. Riêng bướu nguyên bào thận có nguy cơ cao tái phát. Thời gian điều trị trung bình khoảng 6 tháng và chi phí điều trị từ 10 triệu đến 15 triệu đồng.
Ngoài bướu gan các bướu khác thường do đột biến gien. Vì vậy để hạn chế nguy cơ mắc bệnh trong khi mang thai, người mẹ nên tránh những tác nhân gây đột biến gien như phóng xạ, hóa chất, thuốc hay các loại vi rút gây viêm gan, thủy đậu, bệnh cúm....