Cận cảnh bé "văng khỏi bụng mẹ" tập đứng trên chân giả
(NLĐO) - Chiều 29-9, bé Nguyễn Quốc Huy, tức cháu bé "văng khỏi bụng mẹ" trong vụ tai nạn giao thông ở An Giang ngày 25-10-2014, đã trở lại Bệnh viện Nhi Đồng 1 tái khám và bắt đầu tập đứng, vận động với chiếc chân giả mà bé đã được lắp và làm quen 2 tuần nay.
Chân giả của Huy được một đơn vị tư nhân tài trợ hoàn toàn và là loại chân đặc biệt, khớp gối có thể tự chuyển động phù hợp với trạng thái vận động của bé.
Khi mới lắp, cháu bé thường quấy khóc và từ chối sử dụng chân giả. Đến nay, sau 2 tuần được tập đứng chựng và sử dụng chân giả thường xuyên tại nhà, Huy đã dần thích nghi song vẫn còn quấy khóc khi bắt đầu những bài tập.
Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, trưởng khoa Hồi sức sơ sinh của bệnh viện - người đã gắn bó với Huy từ đêm đầu đời em nhập viện - đã đến trực tiếp đưa Huy vào phòng tập.
Anh Nam chăm chút cho con từng chút một. Không chỉ chân phải của bé Huy, chân phải của anh Nam cũng là giả sau vụ tai nạn. Nhưng giờ đây người cha đã có thể đi lại bình thường, bồng bế và chăm sóc hai con
Ông Lê Tường Giao, cử nhân vật lý trị liệu, Trưởng khoa Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, cho biết 2 tuần qua, người nhà đã được hướng dẫn cho bé tập mang thường xuyên, bò với chân giả và đứng với chân giả. Buổi tập hôm nay nhằm giúp bé bắt đầu di chuyển ngang nhờ các dụng cụ hỗ trợ. Khoảng vài tháng sau, bé sẽ bắt đầu tập đi thẳng giống như sự phát triển của một em bé bình thường.
Việc lắp chân giả cho bé hoàn toàn thuận lợi bởi phần mỏm cụt đã được giữ tốt nhờ được luyện tập thường xuyên. Thời gian phải thay chân giả mới sẽ tùy thuộc vào mức phát triển của em bé. Đến khoảng 2 tuổi, bé sẽ được tập leo thang và khoảng 4-5 tuổi sẽ hoàn thiện được các kỹ năng vận động cơ bản mà đôi chân cần có trong sinh hoạt hàng ngày.