Chấn thương hàm mặt khó phục hồi
Theo bác sĩ Lê Thị Viết, Trưởng Khoa Hàm Mặt, khi bị tai nạn giao thông xe máy, nạn nhân thường ngã về một bên nên đa số bị gãy xương gò má. Bên cạnh đó, do thói quen đội mũ bảo hiểm chưa nhiều và chỉ đội mũ không có bộ phận bảo vệ hàm mặt nên tai nạn thường gây ra chấn thương rất nặng cho vùng này.
Ngày 15-11, bệnh nhân N.T.S, 21 tuổi, quê ở Bến Tre được chuyển từ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy sang BV Răng Hàm Mặt TPHCM trong tình trạng đã bị mất mắt phải do vỡ nhãn cầu và chấn thương nặng ở vùng mặt. Trước đó, anh S. được đưa vào BV Chợ Rẫy trong tình trạng bất tỉnh do tai nạn giao thông.
Tại BV Răng Hàm Mặt, bên cạnh tổn thương gây hư mắt phải, anh S. được các bác sĩ chẩn đoán là gãy cả xương hàm dưới vùng cằm và xương hàm trên làm lép khuôn mặt, hở khớp cắn, gãy xương chính mũi gây xẹp mũi. Bác sĩ Nguyễn Thúy Châu, Phó Khoa Hàm Mặt – BV Răng Hàm Mặt, cho biết đây là trường hợp tổn thương hàm mặt do tai nạn giao thông rất thường gặp.
Khuôn mặt biến dạng nặng nề
Anh S. kể lại khi bị tai nạn giao thông anh bất tỉnh nhưng sau đó tỉnh dậy anh thấy mình nằm trong BV với mắt phải đã bị múc bỏ. Những chấn thương khác ở vùng mặt, anh S. vẫn hy vọng sau này bác sĩ có thể điều trị phục hồi và với tiến bộ của ngành thẩm mỹ hiện nay anh vẫn có cơ hội được trả lại hình dáng khuôn mặt nhưng mắt phải thì bị mất đi vĩnh viễn. Còn mắt trái, anh S. hy vọng sẽ được các bác sĩ cứu chữa vì hiện nay anh không thể nhìn thấy rõ do sụp mi và tổn thương võng mạc.
Theo bác sĩ Thúy Châu, khi bệnh nhân đã nhập viện với chấn thương ở vùng hàm mặt thường là nặng và để lại nhiều di chứng như biến dạng khuôn mặt (mặt xẹp và rất dài do hở khớp xương và xương mặt lùi ra sau), sụp mi mắt, mất thị lực, sai khớp cắn.
Bên cạnh đó, việc điều trị rất lâu dài để giúp bệnh nhân phục hồi hình dạng khuôn mặt như lắp mắt giả, phẫu thuật chỉnh xương hàm bằng nẹp ốc, tạo xương mũi, kéo cho khuôn mặt ngắn lên.
Về mặt thẩm mỹ, việc điều trị khó giúp bệnh nhân phục hồi như lúc đầu, còn về chức năng, bệnh nhân cũng gặp nhiều hạn chế trong việc cử động vùng miệng. Nặng nề nhất là một số bệnh nhân phải bị múc bỏ nhãn cầu ở một bên mắt và bên còn lại cũng không thấy rõ do tổn thương võng mạc.
Phần lớn do tai nạn giao thông
Mỗi ngày trung bình BV Răng Hàm Mặt tiếp nhận 12 trường hợp nhập viện do chấn thương vùng hàm mặt nặng, chủ yếu là do tai nạn giao thông, đặc biệt có hơn 82% là do xe gắn máy.
Tại BV này có đến 83% bệnh nhân ở độ tuổi dưới 40, trong đó nhiều nhất là từ 20-25 tuổi. Tỉ lệ nam giới bị chấn thương hàm mặt nhiều hơn gấp 5 lần so với nữ giới. Và số trường hợp bị chấn thương hàm mặt thường gia tăng sau những dịp lễ, có khi lên đến 30 ca mỗi ngày.
Theo bác sĩ Lê Thị Viết, Trưởng Khoa Hàm Mặt, khi bị tai nạn giao thông xe máy, nạn nhân thường ngã về một bên nên đa số bị gãy xương gò má. Bên cạnh đó, do thói quen đội mũ bảo hiểm chưa nhiều và chỉ đội mũ không có bộ phận bảo vệ hàm mặt nên tai nạn thường gây ra chấn thương rất nặng cho vùng này.
Chấn thương hàm mặt kèm theo chấn thương sọ não dễ dẫn đến tử vong, nếu bệnh nhân được cứu sống cũng dễ bị ảnh hưởng nhiều đến chức năng và thẩm mỹ.
Hiện có nhiều tiến bộ trong việc phẫu thuật hàm mặt giúp bệnh nhân hạn chế được những di chứng sau tai nạn như việc cố định xương bằng các hệ thống nẹp ốc khác nhau, rút ngắn thời gian lành của xương và tạo hình hàm mặt.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Hồng Quốc Khanh, BV Răng Hàm Mặt, những kỹ thuật này dễ gây nhiễm trùng và do chấn thương vùng hàm mặt ảnh hưởng đến việc ăn nhai nên dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng và người bệnh lâu phục hồi.
Ngoài ra, tỉ lệ cố định xương cứng chắc đối với những trường hợp đa chấn thương vùng mặt chưa cao nên bệnh nhân sẽ gặp nhiều hạn chế trong sinh hoạt sau này.