Cháu sinh non được cứu sống nhờ ông nội

(NLĐO) - Lần đầu tiên tại Việt Nam đã ghép gan thành công 1 trường hợp sinh non mà người hiến gan là ông nội.

Chiều 19-8, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM công bố lần đầu tiên bệnh viện cũng như ở Việt Nam đã ghép gan thành công trường hợp sinh non mà người hiến gan là ông nội. Bệnh nhi là bé D.C.M (hơn 1 tuổi, ngụ TP HCM), là con đầu lòng của vợ chồng chị N.C.T.T (32 tuổi).

Bé T. sinh non lúc thai chỉ mới ngoài 6 tháng do vỡ ối sớm. Sau khi sinh, bé được điều trị ROP (bệnh võng mạc ở trẻ sinh non) thì phát hiện thêm tình trạng vàng da ứ mật do bệnh teo đường mật bẩm sinh. 

Người cho tạng ban đầu được chọn lựa là cha ruột bé. Tuy nhiên, qua kiểm tra người cha bị gan nhiễm mỡ, không phù hợp. Để cứu sống cháu, ông nội là D.V.L. (56 tuổi, ngụ Tây Ninh) đã hiến 1 phần gan của mình.

Cháu sinh non được cứu sống nhờ ông nội - Ảnh 1.

Các bác sĩ đang ghép gan cho bệnh nhi

Ca ghép gan diễn ra kéo dài 15 tiếng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phối hợp ăn ý của ê-kíp phẫu thuật, gây mê hồi sức. 

Chịu trách nhiệm điều hành chính là TS-BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2. Trưởng kíp mổ  là TS-BS Trần Thanh Trí, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, cùng sự hỗ trợ, cố vấn của GS-BS Trần Đông A và các giáo sư đến từ Bỉ.

Sau ghép 2 tháng, bệnh nhân đã hồi phục một cách ngoạn mục, các chỉ số hoạt động trong cơ thể ổn định; khả năng vận động, nhận thức phát triển bình thường.

Cháu sinh non được cứu sống nhờ ông nội - Ảnh 2.

Ca ghép gan nhỏ nhất Việt Nam hiện nay

Theo BS-CK2 Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, hơn mười năm qua, bệnh viện đã thực hiện thành công 17 ca ghép thận, 12 ca ghép gan. Con số này còn rất khiêm tốn so với nhu cầu của các bệnh nhi bị suy gan, suy thận. Lý do là các bệnh nhi và gia đình không đủ khả năng tài chính để theo đuổi việc ghép tạng.

"Sắp tới, Bệnh viện Nhi Đồng 2 sẽ xây dựng khu Trung tâm phẫu thuật kỹ thuật cao (toà nhà 10 tầng), trong đó có một phần lớn phục vụ cho phẫu thuật và ghép tạng cho trẻ em" - BS Tùng thông tin.