Chớ tin nấm sữa chữa bách bệnh!

Gần đây, nấm sữa Tây Tạng được nhiều người đồn thổi có thể chữa bách bệnh. Từ đó, nhiều người đã bỏ cả thuốc để dùng “thần dược” này chữa bệnh. Đây là sự cường điệu quá đáng, thậm chí dùng nấm sữa nhiều còn có thể... bị ung thư!

Phong trào nuôi và sử dụng nấm sữa Tây Tạng (tên khoa học là Kefir) ngày càng rộng rãi, bởi nhiều người tin nó có công dụng chữa chứng biếng ăn ở trẻ nhỏ, rất tốt đối với sức khỏe người già, phụ nữ có thai và người bệnh nói chung. Thậm chí, nhiều người còn khẳng định trong nấm sữa có kháng sinh nên có tác dụng diệt khuẩn và trị độc rất tốt; phục hồi những chức năng bị yếu, điều trị được ung thư, bệnh về đường tiêu hóa, tim mạch, huyết áp, xương khớp, làm da dẻ hồng hào...

Chưa từng nghiên cứu công dụng

Chính vì những lời đồn thổi đó mà nhiều người đã bỏ cả thuốc để dùng “thần dược” này chữa bệnh. Tuy nhiên, hầu như những người sử dụng đều không biết rõ nguồn gốc xuất xứ của loại nấm sữa này, ngoài tin đồn rằng có một người VN sang Ấn Độ, thấy dân Tây Tạng nuôi và sử dụng con nấm này nên xin về.

Vi khuẩn dễ xâm nhập

Nhiều dược sĩ khuyến cáo: Người dân nuôi nấm Kefir và làm sữa chua thường có các khâu lọc bỏ qua rổ rá tại nhà. Đây là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn xâm nhập, nhất là chủng nấm trong không khí. Do vậy, người dân phải rất cẩn thận khi chế biến, tránh để nhiễm khuẩn, gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em. Theo đúng kỹ thuật, sau khi sữa chưa lên men, bao giờ cũng phải qua khâu xử lý để diệt hết các vi sinh vật gây hại, đồng thời kìm hãm sự phát triển lên men ở mức có lợi cho sức khỏe.

Cách nuôi rất đơn giản: Chỉ cần có sữa tươi và 1/2 muỗng cà phê con giống nấm Kefir, sau 24 giờ sẽ có sản phẩm sữa chua để dùng. Một số người còn cho biết nấm Kefir không có ai bán cả, chỉ có người sử dụng kiên trì nuôi thì nó mới sống được, bởi đây là thực vật sống cần không khí để thở và sữa tươi để ăn.

DS Phan Đức Bình, Hội Dược học VN, cho biết nấm Kefir sống và phát triển nhờ môi trường sữa. Đây là một loại men, có nhiều vi sinh vật cộng sinh với chúng sống nhờ sữa. Kefir là thức uống lên men, sủi bọt nhẹ và chua làm từ sữa bò. Khi nuôi bằng sữa, sau 24 giờ, nấm Kefir sẽ làm sữa đông đặc gần giống yaourt. Nó chỉ có một số giá trị dinh dưỡng bởi các dưỡng chất của sữa, cùng một số vi sinh vật có lợi cho đường ruột, giúp kích thích tiêu hóa, tăng cường hệ thống miễn dịch.

PGS-TS Nguyễn Kim Vũ, Phó Chủ tịch Hội Sinh học VN, khẳng định hiện chưa có nghiên cứu nào về công dụng của nấm sữa. Ngoài ra, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh nấm sữa có khả năng điều trị bách bệnh, nhất là các bệnh tim mạch, tuần hoàn, huyết áp, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, mỡ trong máu, ung thư...

Cường điệu quá đáng!

DS Phan Đức Bình phân tích: Cho rằng ăn càng nhiều sữa chua Kefir càng tốt để trị bệnh là cường điệu. Tốt nhất, nên giới hạn ở mức 200-400 ml sữa/ngày là vừa. Bởi độ chua của sữa Kefir rất cao, nếu ăn trên 500 ml/ngày và ăn liên tục có thể làm cho một số người không chịu nổi, nhất là người bị viêm loét dạ dày, nhạy cảm với chất chua.

Nếu dùng từ 100- 400 ml sữa Kefir/ngày có thể giúp nâng cao sức đề kháng, làm giảm phần nào chứng nhức xương ở người già nhờ lượng calcium dễ hấp thu có trong sữa, chứ không thể trị hết bệnh.

Theo DS Bình, đã có nghiên cứu khoa học cho thấy ăn mỗi ngày 200 g yaourt nói chung là tốt cho sức khỏe, kể cả chống ung thư. Nhưng ăn nhiều hơn 400 g yaourt/ngày và dài ngày, nhất là đối với loại sữa chua Kefir (chua hơn, do nồng độ acid lactic cao gấp đôi yaourt thường), còn có thể... bị ung thư! Ngoài ra, 1 lít sữa Kefir tương đương 1 lít sữa bò tươi, nghĩa là chứa tới 37 g chất đạm, 50 g bột đường, 35 g chất béo, 1.230 mg calcium. Các chất này tốt cho cơ thể nhưng cộng thêm với thức ăn hằng ngày sẽ bị dư, có thể gây béo phì.