Chuyên gia giải đáp việc tiêm mũi 3 chống biến chủng Omicron

(NLĐO) - Vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 tiếp tục làm tăng khả năng miễn dịch, giảm khả năng lây nhiễm, triệu chứng nặng, nguy cơ trở nặng và tử vong của người bệnh trước biến chủng mới Omicron.

Trao đổi với báo Người Lao Động, TS-BS Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược (TP HCM), cho biết mũi vắc-xin thứ 3 (gồm mũi nhắc lại và mũi bổ sung) có vai trò tương tự như hai mũi tiêm cơ bản trước đó là hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây lan, giảm triệu chứng khi mắc bệnh và giảm khả năng bệnh diễn tiến nặng hơn dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên, ở biến chủng mới Omicron, nồng độ kháng thể do vắc-xin tạo ra sẽ thấp hơn khoảng 1,5 lần so với nồng độ kháng thể tạo ra để chống biến chủng Delta. Điều này có nghĩa là mũi 3 vẫn có tác dụng bảo vệ người dân trước Omicron nhưng không còn mạnh mẽ bằng các biến chủng trước như Delta.

Chuyên gia giải đáp việc tiêm mũi 3 chống biến chủng Omicron - Ảnh 1.

Tiêm vắc-xin cho học sinh ở điểm Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TP HCM (ảnh minh họa). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bác sĩ Luân lý giải, không phải chất lượng vắc-xin thay đổi mà do cấu trúc của biến chủng Omicron khác biệt Delta. Cụ thể, Omicron thay đổi hơn 30 loại kháng nguyên trên gai protein S của virus. Trong khi đó, vắc-xin đã được bào chế trước đây không còn trùng hợp, không đủ kháng nguyên để bao phủ hết sự thay đổi cấu trúc virus mới này, khiến khả năng bảo vệ giảm đi.

"Omicron lây lan nhanh, mạnh hơn so với Detla nhưng hy vọng độc lực của nó yếu đi. Mặc dù vậy, số lượng ca bệnh Omicron chưa nhiều nên chưa thể chắc chắn rằng độc lực của nó có thực sự nhẹ hơn không" - bác sĩ Luân nói.

TP HCM đã tổ chức tiêm chủng mũi 3 (gồm mũi nhắc lại cho người đủ 3 tháng sau khi tiêm mũi cơ bản thứ 2 và mũi bổ sung cho người suy giảm miễn dịch, người có nguy cơ cao - người trên 65 tuổi và có bệnh nền) từ ngày 10-12.

Đến ngày 26-12, đã có hơn 500.000 mũi 3 được triển khai. TP HCM có tốc độ tiêm mũi 3 nhanh nhất cả nước.