Có thể khắc phục dị tật sứt môi khi trẻ được 7 ngày tuổi

Với chương trình chẩn đoán tiền sinh, trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch được phát hiện khi còn trong bụng mẹ. Từ đó, bác sĩ sẽ sàng lọc để phẫu thuật kịp thời cho trẻ

Tại một số nước trên thế giới, tỉ lệ trẻ sơ sinh bị sứt môi, hở hàm ếch là 1/1.000. Ở nước ta tuy chưa có thống kê cụ thể, nhưng theo bác sĩ Nguyễn Chí Cường, Phó Khoa Hàm Mặt Bệnh viện (BV) Răng Hàm Mặt TPHCM, tỉ lệ trẻ sứt môi, hở hàm ếch cũng xấp xỉ như trên. Hằng năm ở nước ta có khoảng 1.500-2.000 trẻ ra đời với dị tật sứt môi, hở hàm ếch.

Vá môi sớm để hạn chế sẹo

Từ trước đến nay, để được phẫu thuật sứt môi, trẻ phải đạt cân nặng từ 6 kg trở lên (khoảng 6-8 tháng tuổi) và không bị bệnh cấp tính. Nếu trẻ bị hở hàm ếch thì điều kiện mổ là phải nặng trên 10 kg (khoảng 16 đến 24 tháng tuổi), không bị những bệnh viêm nhiễm cấp và bệnh nội khoa khác. Tuy nhiên, xu hướng trong điều trị sứt môi, hở hàm ếch hiện nay là bác sĩ không chỉ giúp trẻ có thể phát triển, ăn, nói một cách bình thường mà còn bảo đảm về thẩm mỹ cho trẻ. Ở những nước tiên tiến, trẻ sứt môi được tạo hình ngay từ khi còn là bào thai để khi sinh ra không có sẹo. Riêng tại Việt Nam, các bác sĩ nhi khoa đã cố gắng hết sức để vá môi cho trẻ ở khoảng thời gian sớm nhất.

Bác sĩ Nguyễn Bảo Tường, Trưởng Khoa Phỏng Tạo hình BV Nhi Đồng 1 TPHCM, cho biết mỗi ngày khoa phẫu thuật trung bình 2 trẻ sơ sinh bị sứt môi. Hiện nay, BV đã có thể vá môi cho trẻ khi chỉ 7 ngày tuổi. Tuy nhiên, qua thực tế khám chữa bệnh bác sĩ Tường ghi nhận chỉ có một số ít trẻ được đưa đến BV ở ngày tuổi thứ 7 sau khi chào đời.

Tạo hình thẩm mỹ cho trẻ dị tật nặng

Nếu trẻ bị sứt môi mức độ nhẹ, bác sĩ chỉ vá môi một lần, nhưng nếu sứt môi hai bên hoặc mức độ nặng ảnh hưởng đến thẩm mỹ (như khuyết nướu, khuyết sụn chống mũi...) trẻ sẽ được các bác sĩ tạo hình sau khi lành vết mổ. Tùy theo mức độ nặng nhẹ mà thời gian tạo hình môi sẽ kéo dài nhanh hay chậm. Quá trình này còn có thể bị ảnh hưởng do trẻ đang phát triển và có nhiều thay đổi.

Trẻ có dị tật chẻ vòm sẽ được mổ vào 11 tháng tuổi, nhưng nếu bị suy dinh dưỡng hoặc mắc những bệnh khác thì phải đợi đến tháng thứ 18. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tường, trẻ hở hàm ếch cần được phẫu thuật trước 18 tháng tuổi để có thể nói tự nhiên và hòa nhập tốt với cộng đồng. Quá trình vá môi, hàm ếch và tạo hình sẽ hoàn tất trước khi trẻ lên 7 tuổi để có thể đến trường. Từ lâu, trẻ sứt môi, hở hàm ếch được các bác sĩ phẫu thuật sớm để có thể phát triển bình thường về mặt chức năng. Tuy nhiên, ngoài vấn đề ảnh hưởng đến chức năng, dị tật này còn có tác động lớn đến tâm lý xã hội. Đã có không ít bà mẹ bị khủng hoảng khi biết con mình có vành môi không lành lặn. Với chương trình chẩn đoán tiền sinh, trẻ bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch sẽ được phát hiện khi còn trong bụng mẹ. Từ đó, bác sĩ sẽ sàng lọc để phẫu thuật kịp thời cho trẻ.