Có thể tự lọc thận tại nhà
Hệ thống túi đôi thay thế thận hiệu quả giúp người bệnh vừa điều trị bệnh tại nhà mà vẫn giữ được những nếp sinh hoạt bình thường
Tại VN, mỗi năm có khoảng 10.000 người bị mắc bệnh suy thận mạn mới, tuy nhiên khả năng đáp ứng điều trị chỉ mới 10%-15%. Tùy theo tình trạng bệnh, điều kiện kinh tế... mà người bệnh được bác sĩ chữa trị theo cách khác nhau. Trong khi hãy còn khó khăn trong việc ghép thận do nguồn thận hiếm và việc chạy thận nhân tạo tốn kém thì việc điều trị suy thận theo phương pháp thẩm phân phúc mạc (TPPM) là giải pháp điều trị thay thế hiệu quả.
Tiết kiệm thời gian và chi phí
Cách đây 3 năm, anh Trần Minh V., ngụ tại TPHCM, phải cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy vì bị suy thận mạn cấp. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán thận của anh bị suy nên không bảo đảm chức năng bài tiết cơ thể, dẫn đến việc ứ đọng nước, rối loạn chuyển hóa, nếu không xử lý kịp thời, bệnh sẽ nặng và dẫn đến tử vong... Vì vậy, bác sĩ đã áp dụng phương pháp TPPM để điều trị. Đến nay, anh đã có thể đi đứng và làm việc bình thường dù mỗi ngày phải đi xa hàng trăm cây số. Anh cho biết chỉ tốn khoảng 30 phút tự điều trị hằng ngày tại nhà, chẳng cần trợ giúp của bác sĩ.
Tương tự, chị C. đang sống ở Củ Chi - TPHCM cho biết mẹ chị bị suy thận mạn và điều trị chạy thận nhân tạo hơn 2 năm nay. Trước đây, mỗi tuần chị phải 3-4 lần chở mẹ vào BV để bác sĩ lọc máu. Từ khi chuyển mẹ sang điều trị bằng phương pháp TPPM, chị ít hao tốn công sức và dành nhiều thời gian cho công việc của mình. “Chỉ cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ, ngay tại nhà, tôi vẫn giúp mẹ mà khỏi mất công như trước đây”- chị nói.
Từ năm 2004 đến nay, tại BV Chợ Rẫy đã có 340 bệnh nhân suy thận được điều trị theo phương pháp này, trong đó 93% người bệnh vừa điều trị vừa làm việc bình thường... Phó giáo sư - bác sĩ Trần Ngọc Sinh, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu BV Chợ Rẫy, cho biết với phương pháp TPPM, mỗi tháng người bệnh chỉ mất 1 lần đến BV vì chủ yếu tự điều trị tại nhà. Phần chi phí, điều trị thấp hơn khoảng 20% so với chạy thận nhân tạo.
Giảm rủi ro vì nhiễm trùng
Theo bác sĩ Phạm Thị Chải, Trưởng Khoa Nội thận BV Chợ Rẫy, điều trị bằng TPPM có tác dụng như chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, khác ở chỗ thay vì máu đi ra khỏi cơ thể qua máy trợ giúp bên ngoài rồi trở vào như chạy thận nhân tạo thì ở phương pháp TPPM máu được lọc bằng một lớp màng lọc đặt trong ổ bụng người bệnh. Màng lọc này có tác dụng lọc các độc tố và điều chỉnh nước và điện giải cơ thể. Với hệ thống túi đôi thay thế thận hiệu quả, kiểm soát tốt nước, điện giải, huyết áp, sinh hóa, bệnh nhân đỡ thiếu máu, ít viêm gan; quá trình thẩm phân diễn ra liên tục; bệnh nhân sẽ được lọc liên tục trong ngày, ăn uống tự do, cũng như ít bị rủi ro lây nhiễm bệnh (viêm gan B, C...)... Tuy nhiên, người bệnh cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt một số vấn đề như vệ sinh, môi trường làm việc (tránh tiếp xúc nước)...
Sau khi được bác sĩ tham vấn, bệnh nhân được tiểu phẫu ổ bụng (chừng 30 phút) để đặt catheter (ống silicone). Sau phẫu thuật 2 tuần, người bệnh xuất viện và bắt đầu lọc thận. Bác sĩ sẽ huấn luyện thao tác kỹ thuật tự điều trị tại nhà trước khi xuất viện. Mỗi ngày, bệnh nhân sử dụng 4 bịch nước dung dịch thẩm phân (mỗi bịch khoảng 3 lít, trẻ em là 0,5 lít). Mỗi tháng, bệnh nhân đến BV 1 lần để kiểm tra thông số sức khỏe, huyết áp, sinh hóa, huyết học... Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo đây chỉ là phương pháp điều trị thay thế suy thận, về lâu dài ghép thận là phương pháp tối ưu.
Phù hợp với bệnh nhi dưới 10 kg Theo bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, Trưởng Khoa Thận BV Nhi Đồng 1 TPHCM, 80% bệnh nhi suy thận được phát hiện là thận hư. Mỗi năm, BV tiếp nhận từ 20-30 ca suy thận mạn ở trẻ em. Trong 3 phương pháp điều trị suy thận mạn, TPPM phù hợp nhất cho trẻ từ 10 kg trở xuống, vì ở bệnh nhi này mạch máu nhỏ nên khó thể chạy thận nhân tạo. Ngoài ra, khác với người lớn, bệnh nhi phải điều trị tại BV vì phải gắn máy chuyên dụng. Bác sĩ Loan cũng cho biết điều trị theo phương pháp này chi phí rẻ, thực hiện đơn giản, kéo dài sự sống từ 10-20 năm. |