Cứu sống bệnh nhân nhờ đặt máy tạo nhịp tim không dây vào tim

(NLĐO)- Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy lần đầu tiên tiến hành đặt máy tạo nhịp tim không dây thành công, cứu sống một nữ bệnh nhân suy tim nặng.

Chiều 28-4, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, cho hay bệnh viện vừa tiến hành đặt máy tạo nhịp tim không dây thành công cho một nữ bệnh nhân. Đây là trường hợp đầu tiên trên cả nước được đặt máy mới này.

Bệnh nhân là bà N.T.B (46 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) bị suy tim nặng, kèm theo bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, thường xuyên phải chạy thận. Trước đó, bà B. nhập viện trong tình trạng ngất liên tục, nhịp tim rất chậm, đặt máy tạo nhịp tim mới mong sự sống kéo dài. Tuy nhiên, do bị lọc thận lâu ngày làm hẹp đường vào tĩnh mạch chủ trên nên việc đặt máy máy tạo nhịp tim có dây là không khả thi nên buộc các bác sĩ chọn phương án khác.

Cứu sống bệnh nhân nhờ đặt máy tạo nhịp tim không dây vào tim  - Ảnh 1.

Các bác sĩ đặt máy tạo nhịp không dây vào tim bệnh nhân

Trước tình huống này, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn từ xa với PGS-TS Sirin Apiyasawat (chuyên gia tim mạch ở Thái Lan, thành viên Hội rối loạn nhịp châu Á-Thái Bình Dương) và tiến hành đặt máy tạo nhịp tim không dây cho bệnh nhân. Ca can thiệp thành công, bà B. được cứu sống.

Theo bác sĩ Thức, máy tạo nhịp tim cho bệnh nhân có dạng hình trụ tròn, đường kính 6 mm, chiều dài 2 cm, tổng trọng lượng 1 gram, cho phép tạo nhịp tim trong thời gian từ 8 đến 10 năm. Đây là loại máy có kích thước rất nhỏ nằm gọn trong buồng thất phải, được đưa vào bằng ống thông từ tĩnh mạch đùi (do đường đi thông thường mạch máu của bà B. bị biến dạng).

Cứu sống bệnh nhân nhờ đặt máy tạo nhịp tim không dây vào tim  - Ảnh 2.

Chiếc máy bé nhỏ được nằm thọt lỏm trong tim người bệnh

"Đây cũng là kỹ thuật hứa hẹn trong điều trị rối loạn nhịp tim tiên tiến cho những trường hợp không thể tiếp cận tim thông qua tĩnh mạch chủ trên, đồng thời mang lại tính thẩm mỹ cao vì không để lại sẹo vết mổ"- BS Thức nhấn mạnh.