Đèn không hắt bóng
Cho dù cũng liên quan đến một nhân vật của ngành y, nhưng những điều tôi biết và kể ra sau đây không dính dáng gì đến tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nhật Bản Watanabe Dzunichi.
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn mượn tên của tác phẩm nổi tiếng này, bởi trong mắt tôi, cuộc đời của cô chẳng khác gì một ngọn đèn, không hắt bóng lộng lẫy, chỉ vừa đủ soi sáng cuộc đời, nhưng thật trọn vẹn và đầy ý nghĩa. Ở tuổi 90, cô vẫn đi tiếp con đường mà mình đã chọnPhải mất nhiều lần thuyết phục, thậm chí mang tên của bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM và bác sĩ Phan Quý Nam, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương, nơi cô từng làm việc ra “hù dọa”, tôi mới được cô cho gặp mặt. Bởi cô cho rằng cuộc đời của mình thật bình thường, có gì lớn lao đâu mà kể ra cho mọi người biết.
60 năm cho một sự chọn lựa
Sinh năm 1916, là con một trong gia đình, cô Ngô Thị Hai thú nhận mình đến với ngành y là do sự chọn lựa của người cha. Những thập kỷ đầu của thế kỷ trước, Tây y vẫn còn là điều xa lạ trong mắt người VN, nhưng cha cô vẫn muốn cô theo ngành này, bởi theo ông, đó là một nghề có thể giúp đời, giúp người. Ba năm theo học Ecole de la Croix Rouge Francaise (Trường Hồng thập tự Pháp), năm 1941 cô ra trường với tấm bằng y tá và về làm việc tại BV Chợ Rẫy. Năm 1953, cô về dạy tại Trường Cán sự Điều dưỡng (sau năm 1975 đổi tên là Trường Trung học Kỹ thuật Y tế 3 và nay là Khoa Điều dưỡng Kỹ thuật y học thuộc Đại học Y Dược TPHCM). Năm 1960, cô được chọn đi Canada tu nghiệp một năm rồi về trường dạy tiếp. Chính trong quãng thời gian này, nhiều học trò của cô lần lượt ra trường, giỏi chuyên môn, tốt đạo đức và hiện vẫn giữ những vị trí quan trọng ở nhiều BV lớn trong TP. Năm 1974, cô nghỉ hưu, Y viện Quảng Đông (nay là BV Nguyễn Tri Phương) muốn chuyển sang Tây y nên mời cô về huấn luyện cho các y tá. Đất nước thống nhất, cô tiếp tục ở lại làm việc hợp đồng với BV. Mãi đến năm 2000, do chủ trương của Bộ Y tế ngưng hợp đồng với những người làm việc lớn tuổi, nên cô đành nghỉ dù cô tự nhận mình vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Năm đó cô... 84 tuổi!
Cô Hai “vô trùng”
Đó là biệt danh mà các học trò thương yêu tặng cho cô Ngô Thị Hai, bởi cô rất nghiêm túc trong việc thực hiện những chế độ vô khuẩn trong BV. Cô thường nói với các học trò: “Người bình thường không ai muốn vào BV cả, nhưng nếu vì mình sơ ý không giữ vệ sinh tốt để bệnh nhân mang thêm một bệnh khác thì thật đáng trách”. Biết tiếng Pháp, tiếng Anh, nên trong những ngày còn giảng dạy, hễ nghe nói địa phương nào có BV nước ngoài là cô đều dẫn học trò đến tham quan, vì theo cô, ngành y nước ngoài đi trước mình rất lâu, có nhiều cái hay đáng cho mình học hỏi. Biết được điều gì hay, cô đều truyền hết cho các học trò. Chị Võ Kim Sa, điều dưỡng trưởng BV Nhi Đồng 1, một trong những học trò cô, kể lại: “Lúc nào cô cũng nhẹ nhàng, tận tình chỉ từng động tác cho học trò, từ việc thay drap, chăm sóc vết thương, cho đến cách xoay trở một bệnh nhân loét da nằm lâu ngày sao cho mau lành. Học trò làm được cô mới thôi”.
Tuy nhiên, điều mà các học trò khâm phục cô Hai nhất là tinh thần yêu nghề và yêu bệnh nhân. Giảng dạy môn đạo đức điều dưỡng, nên cô luôn cố gắng giữ hình ảnh của mình thật trọn vẹn trong mắt học trò. Mỗi ngày cô đều đến BV thật đúng giờ, trang phục sạch sẽ, thẳng thớm và làm việc không ngưng tay. Cô thường nói với học trò: “Đã chọn nghề này thì phải yêu bệnh nhân, làm hết mình, chịu cực khổ. Một khi đã yêu ai rồi thì khổ cách mấy mình cũng sẽ chịu được”.
Mong được giảng dạy lần cuối
Không biết có phải vì trong tim đã có một “người yêu lý tưởng” là bệnh nhân hay không mà cô Hai không lập gia đình. Nơi cô ở, một căn nhà tuềnh toàng chưa đầy 15 m2 tại quận 5 - TPHCM, cô sống nương nhờ một người quen. Ở tuổi 90, phần lớn người ta đều lẫn, bệnh tật, riêng cô vẫn khá khỏe mạnh, minh mẫn, đi đứng dễ dàng, không lãng tai. Ở tuổi 90, người bình thường chỉ muốn nghỉ ngơi thì cô vẫn say mê làm việc, không có nhiều giờ để ăn, ngủ hay đi chơi! Ấp ủ lớn nhất của cô hiện nay là biên soạn một tài liệu để hướng dẫn cho những điều dưỡng sắp chuyển đến làm việc ở khu nhà mới xây của BV, sẽ ra đời vào cuối năm. Cô nói: “Có cơ sở mới rồi, mình phải có cách làm mới chứ. Mong bề trên cho tôi đủ sức khỏe để soạn được tài liệu và cũng mong bác sĩ Nam giám đốc cho phép tôi có cơ hội được giảng dạy lần cuối”. Trên chiếc bàn dùng làm nơi làm việc và tiếp khách, là nhiều tài liệu nước ngoài về điều dưỡng, minh chứng cho những gì cô nói.
Trong khi chờ hoàn thành tập tài liệu giảng dạy, thì hằng tuần, cô vẫn có mặt ở Khoa Săn sóc đặc biệt BV Nguyễn Tri Phương để phụ chăm sóc những bệnh nhân nằm lâu ngày bị lở loét, biến chứng. Trong mắt của toàn thể nhân viên khoa này, sự có mặt của người điều dưỡng 90 tuổi Ngô Thị Hai đã quá đỗi bình thường. Có cô, họ càng an tâm vì cô luôn đưa ra kinh nghiệm săn sóc những ca bệnh khó.
Chiều 22-2, sau khi dự buổi hội thảo điều dưỡng Việt-Úc, cô Hai lại tạt qua Khoa Săn sóc đặc biệt như tìm đến ngôi nhà có những người thân yêu của mình. Nhìn những bước đi chậm rãi của cô dọc theo hành lang BV, tôi không hiểu tại sao một người phụ nữ 90 tuổi nhỏ bé như cô, lại vẫn vững chãi với thời gian. Có thể chỉ giải thích được, đó là do cô quá Yêu Đời, Yêu Người.
Đừng sống trái với lương tâm
Khi được hỏi về y đức của nhân viên y tế ngày nay, cô Ngô Thị Hai thừa nhận không bằng ngày xưa, có lẽ vì cuộc sống có nhiều khó khăn, phải bươn chải, lo toan nên người ta không còn giữ được phẩm chất của người thầy thuốc. Theo cô, cần quan tâm đến cách giảng dạy. Cô nói: “Ngày xưa, khi tôi giảng về đạo đức nghề nghiệp, tôi đưa ra những ví dụ cụ thể để học trò thực hiện, chẳng hạn tôi bảo các em không được nhận tiền bạc của bệnh nhân, không được làm việc lơ là, vì như thế lương tâm mình không cho phép”.
Những cống hiến của cô cho xã hội đã được ghi nhận. Năm 2004, Thủ tướng đã tặng bằng khen cho cô vì những đóng góp trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 26-2 này, toàn thể học trò qua nhiều thế hệ sẽ tổ chức mừng thượng thọ cô, một cách bày tỏ lòng tri ân với người thầy mà họ hằng kính yêu. |