Dịch vẫn dễ vào trường học

Mặc dù ngành y tế đã tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch tay chân miệng nhưng nhiều trường học tại TPHCM đang đồng nhất việc phòng bệnh chỉ đơn giản lau sàn nhà, lớp học

Dù đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế trường học ngay từ đầu mỗi năm và cả trong dịp hè nhưng sau việc một loạt trường mầm non tại quận 8 phải tạm đóng cửa vì dịch tay chân miệng, lãnh đạo của các phòng GD - ĐT thừa nhận nhiều  trường học đang rất chủ quan và lúng túng.

Trong khi khá nhiều trường mầm non công lập lo dọn dẹp và vệ sinh, khử trùng chuẩn bị cho ngày chính thức đón trẻ (29-8) thì nhiều trường mầm non tư thục lại tỏ ra thờ ơ với dịch bệnh tay chân miệng hoặc chủ quan cho rằng dịch đang xảy ra ở quận khác, chưa chắc đã di chuyển đến trường mình.

Lau chùi sàn nhà là đủ?

Chủ cơ sở Mầm non tư thục Sơn Ca, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, nói: “Giáo viên và bảo mẫu đều biết cách vệ sinh trường, lớp sạch sẽ. Sử dụng dung dịch tẩy sàn được cấp để lau chùi sàn nhà. Dịch bệnh chắc không thể xảy ra ở trường mình được”. Cách đó không xa, chủ Trường Mầm non tư thục Ánh Dương, cùng ở quận Thủ Đức, cũng tỏ ra rất yên tâm với việc dịch bệnh tay chân miệng khó xảy ra vì trường luôn dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ. Nhưng cách đây không lâu, một trẻ ở cơ sở này đã có dấu hiệu nhiễm bệnh phải cách ly.

Mặc dù ngành y tế khuyến cáo việc phòng chống dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết không phải chỉ là lau chùi sàn nhà, lớp học mà còn phải lau chùi đồ chơi, rửa tay sạch, không cho trẻ ngậm các vật dụng, mút tay… nhưng nhiều trường học đang đồng nhất việc phòng bệnh chỉ bằng cách lau sàn nhà, lớp học.

Lúc chúng tôi đến, Trường Mầm non tư thục Sơn Ca có gần 50 trẻ nằm la liệt trên nền nhà chờ phụ huynh tới đón; nhà vệ sinh không được tách riêng mà là một góc rất nhỏ được bố trí ngay trong lớp học. Trường Mầm non tư thục Ánh Dương có số trẻ ít hơn nhưng khu đồ chơi cho trẻ lại bố trí rất gần với đường quốc lộ, rất dễ bám bụi và mất vệ sinh; hai lớp mầm và chồi chung nhau một nhà vệ sinh dọc hành lang.

Tập huấn thì có, tủ thuốc thì không

Quận Gò Vấp cũng là một trong những điểm nóng về nguy cơ nhiễm bệnh tay chân miệng vì có nhiều nhóm trẻ gia đình, mầm non ngoài công lập đang hoạt động.

Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng Phòng GD - ĐT quận Gò Vấp, cho biết: “Các trường đều được tập huấn từ đầu năm về phòng chống dịch bệnh. Y tế dự phòng cấp phát thuốc đầy đủ cho các trường. Phòng GD- ĐT cũng luôn theo dõi để phát hiện sớm những trường hợp nào nhiễm bệnh thì cách ly. Đến nay, dịch bệnh tại quận đã diễn biến chậm lại”.

Không biết điều ông Tuấn nói có hoàn toàn đúng hay không nhưng khảo sát của chúng tôi tại một số trường mầm non trên các đường  số 11, Nguyễn Văn Lượng, Phan Văn Trị thì các giáo viên đều trả lời có được tập huấn nhưng tủ thuốc y tế và cán bộ y tế thì nhiều trường chưa có. Cách đây không lâu, chính tại quận Gò Vấp đã ghi nhận không ít trường hợp trẻ nhiễm tay chân miệng.

Lại điệp khúc… tập huấn

Trong những ngày này, Sở GD - ĐT cùng với Sở Y tế đang liên tục mở các chương trình tập huấn cho cán bộ y tế trường học. Điệp khúc tập huấn, hướng dẫn mỗi khi dịch bệnh bùng phát khiến nhiều người quan ngại, vì bệnh tay chân miệng hay sốt xuất huyết đều không phải là những bệnh mới và hiếm gặp, tại sao cứ phải đến lúc phát dịch mới tập huấn?

Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, chia sẻ: “Việc phòng chống dịch bệnh diễn ra theo quy trình: Nhân viên y tế của trường được trung tâm y tế dự phòng hướng dẫn, sau đó sẽ hướng dẫn lại cho các giáo viên khác trong buổi họp hội đồng sư phạm. Còn cán bộ của trung tâm y tế không trực tiếp đến trường tập huấn cho toàn bộ giáo viên. Cũng may đến tháng 9 mới có học sinh học bán trú nên trường có thời gian để vệ sinh chu đáo hơn”.

Lực bất tòng tâm
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Phòng GD - ĐT quận 3, cho biết: “Các trường cũng lo lắng vô cùng nhưng lực bất tòng tâm. Mỗi khi có đoàn y tế xuống kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất với những câu hỏi như: Bệnh tay chân miệng là gì? Cách pha dung dịch khử khuẩn như thế nào… là giáo viên thêm vô vàn áp lực. Lý do vì giáo viên không phải là nhân viên y tế chuyên nghiệp nên để nhận biết bệnh và xử lý là rất khó. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chỉ có một vài trường mầm non của quận có cán bộ y tế chuyên môn còn hầu hết đều thiếu do không ai chịu về làm. Khi có dịch bệnh, hiệu trưởng cũng đi tập huấn rồi tập huấn lại cho các giáo viên nên rất mất thời gian, qua nhiều công đoạn, trong khi dịch bệnh xảy đến bất kể thời gian hay địa điểm.

Một cán bộ Sở GD - ĐT TPHCM thừa nhận dịch bệnh lây lan rất nhanh, trong khi chờ giáo viên hay nhân viên tập huấn xong rồi về chỉ lại cho giáo viên trong trường thì có khi bệnh đã không còn. Cũng khó đòi hỏi đối với các cơ sở mầm non ngoài công lập vì họ chẳng được hỗ trợ gì. Đội ngũ cán bộ y tế trường học thiếu và yếu chuyên môn cũng là một nguyên nhân khiến các trường lúng túng khi có dịch bệnh.