Độc đoán cũng dễ bệnh
Nếu chuyên gia Tây y hiện nay đồng lòng đặt bệnh tâm thể vào danh sách bệnh thời đại (nghĩa là bệnh thời nào cũng có nhưng đến thời này bỗng cực đại) thì thầy thuốc Đông y đã từ nhiều ngàn năm biết rõ vai trò đòn bẩy của cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố... trong nhiều bệnh chứng nghiêm trọng
Chẳng những thế, họ có cùng quan điểm là bệnh “tâm” khó chữa hơn bệnh “thể” vì chữa bệnh không khó bằng chữa “người bệnh”. Đó cũng là lý do tại sao thầy thuốc ngày xưa cổ động việc áp dụng các phương pháp dưỡng sinh để cảm xúc có dâng trào vẫn trong vòng kiểm soát, thay vì bệnh nào cũng trông mong vào thuốc.
Các nhà nghiên cứu Thụy Điển mới đây đã chứng minh qua công trình thống kê với cả ngàn bệnh nhân, thấy:
- Người nặng tính gia trưởng, độc đoán trong gia đình, độc tài trong tập thể là đối tượng dễ có vấn đề với phế quản.
- Người nhỏ mọn, hay ganh tị với thành công của người khác là kẻ tự mình gây rối loạn chức năng gan, mật.
- Người quá hối hả với danh lợi không chỉ mau già trước tuổi mà đồng thời là miếng mồi ngon của bệnh tim mạch, là ứng viên hàng đầu của danh sách bệnh nhân tai biến mạch máu não hay nhồi máu cơ tim.
- Người ích kỷ đến độ nhất định việc gì cũng ôm hết về mình, đúng, sai bất cần, sớm muộn cũng gặp trục trặc trên đường tiêu hóa và sẽ là bạn đồng hành của loét dạ dày, viêm ruột mãn, trĩ...
- Người ghen bóng ghen gió là người tạo điều kiện để hệ miễn dịch hoạt động trật chìa trong chiều hướng gây dị ứng. Hậu quả là bệnh ngoài da, bệnh khớp mau chiếm thế thượng phong.
- Người quá lo nghĩ về cách thăng tiến trong nghề nghiệp, cuối cùng lại là kẻ vướng chứng bệnh suy nhược thần kinh dưới dạng lo sợ vô cớ bên cạnh khuynh hướng bội nhiễm tiết niệu.
- Người lười biếng nên lúc nào cũng tính toán cách đẩy công việc cho người khác, hay tệ hơn nữa là thích “gắp lửa bỏ tay người”, là đối tượng dễ bị tăng mỡ trong máu, nghĩa là mau đến lúc khó tránh cảnh thông tim vì xơ vữa mạch máu.
Cuộc đời chẳng khác món ăn, nêm mặn hay nhạt đều khó ngon. Cũng như gia vị, cảm xúc thái quá hay bất cập vì tâm bất an do quá độ tham, sân, si bao giờ cũng là dao hai lưỡi. Có lẽ vì thế mà Tuệ Tĩnh thiền sư đã khuyên người muốn sống khỏe thì đừng quên “thanh tâm, quả dục, bế tinh, tồn thần”.