Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật: Hiểm họa ẩn trong rau quả

AN TOÀN THỰC PHẨM.- Đã có 373 người nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật do ăn uống trong 6 tháng đầu năm, trong đó có 8 người tử vong. Hầu hết các mẫu trái cây đều có chứa những chất đã bị cấm sử dụng với hàm lượng cao


Thêm một trường hợp ngộ độc sau khi ăn rau muống.... 20 ngày đầu tháng 8 đã có 10 ca đến Trung tâm Y tế quận 12 - TPHCM cấp cứu ngộ độc thuốc rầy nhiễm qua rau muống.... Những tin tức như trên gần đây xuất hiện thường xuyên khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Ghi nhận tại khoa cấp cứu của các bệnh viện cho thấy đại bộ phận những ca ngộ độc sau khi ăn rau muống đều có các triệu chứng của nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) như co giật, nôn ói, tiêu chảy cấp v.v... Trong 6 tháng đầu năm nay, Vụ Điều trị (Bộ Y tế) đã thống kê được 2.354 vụ nhiễm độc thuốc BVTV với 2.897 người mắc, trong đó có 373 người nhiễm độc do ăn uống. Trong số người bị nhiễm độc nêu trên hiện 100 người đã tử vong (cả năm 2000 chỉ có 8 ca tử vong do nhiễm độc thuốc BVTV).


Dư lượng bao nhiêu?


Mang theo nỗi bức thiết của người tiêu dùng, ngày 22-8 chúng tôi đến Chi cục BVTV TPHCM cơ quan có nhiệm vụ quản lý dư lượng thuốc trừ sâu trong rau quả - và thật bất ngờ khi được kỹ sư Nguyễn Thiện phó chi cục trưởng khẳng định với chúng tôi rằng chi cục chưa thể công bố một số liệu nào về tình hình dư lượng thuốc BVTV trong rau quả trên thị trường, vì lâu nay chưa có điều kiện để làm một cuộc điều tra quy mô cần thiết. Gần đây, chi cục có lấy 50 mẫu rau quả trên thị trường đem phân tích, ghi nhận có dư lượng thuốc trong một số mẫu, nhưng chỉ với số lượng chừng này mẫu thì chưa thể nói lên điều gì.


Nhìn nhận tình hình sử dụng thuốc BVTV, kỹ sư Nguyễn Thiện cho biết: Gần đây, mức độ nông dân sử dụng thuốc BVTV thuộc các nhóm có độ độc cao, chậm phân hủy như clor hữu cơ, lân hữu cơ, carbamate... đã giảm nhiều. Tuy nhiên, một số hoạt chất như methomyl, phenthoate, diazinon, dimethoate, isoproarb, fenobucarb, benfuracarb, carbaryl, profenophos, methidation...  có độ độc khá cao, nên dù mức độ sử dụng giảm vẫn tạo nguy cơ cao trên rau quả. Số vụ ngộ độc cấp tính có giảm nhưng chỉ là mặt nổi của vấn đề. Phần còn lại không thấy được là dư lượng tồn tại trong rau quả vượt quá mức an toàn, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Câu trả lời thỏa đáng cho người tiêu dùng hiện phải trông chờ vào dự án kiểm soát nhanh dư lượng thuốc BVTV do chi cục triển khai hoạt động từ tháng 9-2001.


100% mẫu nho, mận, ổi... đều có thuốc cấm sử dụng


Những kết quả nghiên cứu liên tục từ năm 1997 đến nay về dư lượng thuốc BVTV trên ổi, mận, hồng, nho, táo, lá trà tươi và trà chế biến cũng như nhiều loại rau khác trên thị trường các tỉnh phía Nam -do tiến sĩ Bùi Cách Tuyến và các cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu môi trường - Trường Đại học Nông Lâm TPHCM thực hiện - rất đáng được lưu ý.  Cụ thể: với nho trồng ở Ninh Thuận, phân tích 32 mẫu ngẫu nhiên ở chợ và 18 mẫu lấy ở đồng ruộng, kết quả 100% đều có monocrotophos, một trong số những thuốc hiện đã cấm sử dụng.


Với táo trồng ở Đồng Nai và TPHCM, phân tích 64 mẫu, trong đó 50% lấy ở chợ, kết quả cũng đều nhiễm monocrotophos. 28% số mẫu có dư lượng cypermethrin cao hơn MRL (mức an toàn tối đa cho phép).


Ở 32 mẫu mận và ổi ngẫu nhiên trên thị trường và 18 mẫu thu trên đồng ruộng Tiền Giang, kết quả 100% có dư lượng lambda cyhalothrin cao hơn MRL từ 1,5 - 22,5 lần.


Các mẫu bắp cải, cải bắc thảo, củ cải đỏ, cà chua, đậu cô ve, đậu Hà Lan đều chứa lượng nitrate cao hơn tiêu chuẩn. Dư lượng nitrate cao hơn quy định trong các mẫu cải lá, bắp cải trồng tại ngoại thành TPHCM, nhưng lại thấp trong xà lách, cải bông. Riêng các mẫu  rau muống đều chứa kim loại nặng Cr cao hơn mức quy định.


Lương Duy Cường






 Giáo sư  CHU PHẠM NGỌC SƠN  Chủ tịch Hội Hóa học TPHCM:

Không thể rửa sạch thuốc trừ sâu trên rau quả


Thông tin về tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm gần đây đòi hỏi chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa về chất lượng ăn uống. Dư lượng đáng kể thuốc trừ sâu trong rau quả vẫn còn là một vấn đề cần sớm giải quyết. Nhà nông còn sử dụng khá nhiều các loại thuốc trừ sâu, để lại dư lượng khá lớn, vượt quá mức tối đa cho phép mà không có loại thuốc nào có thể rửa sạch hoàn toàn để cho hàm lượng thuốc trừ sâu xuống dưới mức tối đa cho phép.


Tiến sĩ TRẦN ĐÁNG Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế:


Mức sử dụng thuốc trừ cỏ tăng hơn 30%


Tình hình sử dụng thuốc BVTV hiện vẫn rất phức tạp. Nếu thời điểm trước năm 1991 cả nước chỉ sử dụng khoảng 13.000 - 15.000 tấn/năm, thì đến năm 2000 đã ở mức 20.300- 42.730 tấn. Bây giờ, mức độ sử dụng thuốc trừ sâu đã giảm xuống chỉ còn 45,40% so với 10 năm trước, nhưng thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ tăng hơn 30%.


Ông NGUYỂN QUANG MINH   Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN-PTNT):


Hơn 121 cửa hàng kinh doanh thuốc cấm sử dụng


Hiện cả nước đang có 19.067 cửa hàng bán thuốc BVTV. Chỉ mới kiểm tra ở 12.214 cửa hàng cũng đã phát hiện được 23,4% cửa hàng kinh doanh không có giấy phép, điều đáng lưu ý là có 121 cửa hàng kinh doanh cả thuốc cấm sử dụng.