Đừng chết vì không biết bơi !

Không biết bao nhiêu cái chết thương tâm đã xảy ra với những người không biết bơi, mà phần lớn là nữ. Như vậy, việc học bơi chính là một trong những yếu tố quan trọng mà hiện nay đa số các trường phổ thông và những phụ huynh đang sao nhãng.

Những cái chết thương tâm

“Bến đò Chôm Lôm chiều 7-10 vật vã trong đau đớn. Những ánh mắt đỏ hoe ngóng tin 19 học sinh mất tích trong chuyến đò định mệnh, nhưng cho đến sáng 13-10, người ta chỉ mới vớt được xác của 14 em. Số phận các em còn lại vẫn chỉ là ẩn số. Cho đến khi đã thoát chết khỏi chuyến đò định mệnh, Ngân Văn Hải, cậu học sinh lớp 7A Trường THCS Lạng Khê, vẫn chưa nguôi nỗi khiếp đảm khi chứng kiến hàng chục bàn tay của bạn mình chấp chới kêu cứu trong tuyệt vọng.

Hình ảnh những chiếc đầu ngoi ngóp ẩn hiện nổi chìm, chìm nổi rồi dần dần mất dấu dưới lòng sông hung dữ dường như là nỗi ám ảnh quá sức chịu đựng với cậu bé 14 tuổi nhỏ thó đang co ro trong bộ quần áo ướt sũng...” Khi đọc bản tin như thế trên báo chí, chắc hẳn ai cũng phải đau xót cho những số phận do không biết bơi mà phải gánh chịu cái chết thảm khốc.

Môn bơi chưa được các trường phổ thông quan tâm

Qua khảo sát của chúng tôi ở bậc THCS và THPT tại TPHCM, hiện chỉ có hai trường được xây dựng và trang bị hồ bơi cho học sinh, đó là trường THCS Trần Văn Ơn và THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Tuy nhiên, tại hai hồ bơi của các trường này, số lượng học sinh đăng ký học bơi cũng chỉ chiếm chưa đến phân nửa tổng số học sinh của toàn trường. Nguyên nhân do đâu?

img
Các em tập bơi tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM. Ảnh: Q.LIÊM

Theo ông Trần Mậu Minh, Hiệu trưởng trường THCS Trần Văn Ơn, ở trường này tất cả học sinh đều được nhà trường tổ chức mỗi tuần có một tiết học bơi, nhất là các học sinh học bán trú. Tuy nhiên, số học sinh không biết bơi do không chịu học bơi cũng chiếm phần lớn. Ông Minh nhận xét: “Chính do sự nuông chiều của phụ huynh đối với con em mình nên hiện nay kỹ năng sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng của các em còn rất hạn chế, mà một trong những kỹ năng sống trách nhiệm với bản thân các em đó chính là biết bơi, biết đạp xe đạp, biết giao tiếp tập thể...

Dù mỗi tuần nhà trường chỉ tổ chức có một tiết học bơi, nhưng do không có sự bắt buộc nên nhiều phụ huynh vẫn làm đơn xin cho con không học bơi, với lý do như bệnh viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phổi... và tất cả những lý do này đều chính đáng để nhà trường “chịu thua”. Một thực tế khác cho thấy, nhiều em không có thời gian học bơi hay bất kỳ một môn thể thao nào khác, vì cha mẹ các em này đặt kỳ vọng quá cao, buộc các em phải học thật giỏi các môn văn hóa, nên hết thời gian học ở trường các em còn phải đi học thêm đủ thứ môn...”

Ở bậc THPT, số học sinh biết bơi chỉ chiếm một phần nhỏ trên tổng số gần 165.000 học sinh toàn TP. Từ khi có chương trình THPT phân ban, Bộ GD-ĐT đưa vào chương trình này các môn học bắt buộc và môn tự chọn, trong đó, môn bơi lội đã được xếp vào môn tự chọn. Ông Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết: “Dù môn bơi lội là một trong năm môn tự chọn, nhưng chỉ có vài chục em chọn môn này.

Có nhiều nguyên nhân khiến các em không chọn môn bơi, trong đó có nguyên nhân do phụ huynh không muốn cho các em học bơi vì sợ các bệnh lây nhiễm ở hồ bơi, cũng có nguyên nhân do việc chấm điểm của môn bơi lội không chặt chẽ và việc quản lý sự an toàn của các em khi ở hồ bơi nhà trường không kham nổi, nên cuối cùng môn bơi lội đã bị bỏ luôn”.

Ông Lê Văn Quan, chuyên viên phụ trách TDTT Sở GD-ĐT TPHCM, nhận xét: “Bơi lội nằm trong môn tự chọn, không bắt buộc. Hiện nay, toàn TP chỉ có hai trường có hồ bơi nên trường nào gần hồ bơi thì có tổ chức hợp đồng cho các em đi học bơi và tỉ lệ học sinh biết bơi nhiều hay ít tùy thuộc vào điều kiện của các trường. Ngoài ra, việc trang bị hồ bơi khá tốn kém nên hiện nay tất cả các trường THCS, THPT đều không dám xây dựng hồ bơi”.

Không nên coi thường môn bơi

Khác với các trường công lập, hệ thống Trường Tiểu học dân lập Quốc tế và Trung học tư thục Á Châu rất quan tâm đến kỹ năng sống của học sinh, không những trang bị hồ bơi, các trường này còn có sân tennis, sân bóng chuyền, bóng rổ. Nhà trường có đội ngũ giáo viên tư vấn cho phụ huynh thấy rõ việc cần thiết và lợi ích của các môn thể thao này cũng như một số môn học khác như diễn kịch, học cách giải quyết tình huống thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn, lũ lụt... nên đa số phụ huynh rất ủng hộ việc con mình luyện tập thể lực.

Từ thực tế những tai nạn chết chìm dưới nước ở những nơi thường xảy ra lũ lụt, hay nơi có nhiều sông nước trong nhiều năm qua, chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của việc biết bơi lội như thế nào. Ở Đồng Tháp, rút kinh nghiệm mùa lũ lụt năm 2004 đã có quá nhiều người chết khi gặp lũ lụt do không biết bơi, từ đó đến nay, Tỉnh Đoàn tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lớp học bơi cho học sinh của toàn tỉnh để phòng tránh lũ lụt. Đây là một trong những việc làm thiết thực trang bị cho các em vệ các trường cần tổ chức thực hiện, không nên coi thường việc dạy bơi cho học sinh.

Những cái chết thương tâm

Bình quân, mỗi ngày cả nước có khoảng 74 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông, chết đuối, ngộ độc...

Từ đầu năm đến nay, địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xảy ra 5 vụ chết đuối do tắm biển, hồ làm 11 người chết.

16 giờ ngày 1-10, 7 em học sinh ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định rủ nhau tắm biển Quy Nhơn. Bốn em vừa xuống biển thì bất ngờ bị sóng cuốn trôi, tử nạn.

Liên tiếp trong các ngày từ 20 đến 24-5, trên địa bàn các tỉnh Hà Giang, Nghệ An, Quảng Bình, Kiên Giang đã xảy ra 5 vụ tai nạn tắm sông, tắm biển với tổng cộng 16 người chết đuối. Nạn nhân hầu hết là học sinh THCS, đặc biệt ở Kiên Giang cả cô giáo và 3 học trò đều thiệt mạng.

Ngày 27-9, bốn học sinh trường tiểu học Tân Vĩnh Hiệp B (Bình Dương) rủ nhau đi xúc cá. Một em không may trượt chân rơi xuống hồ. Ba em còn lại lao xuống cứu và đều thiệt mạng.

P.Q (tổng hợp)

Huấn luyện bơi lội tốt nhất là ở tuổi nhi đồng

Ước tính tại TPHCM hiện nay, số lượng thanh thiếu nên biết bơi chiếm tỉ lệ khoảng 60%, trong đó đối tượng học sinh tiểu học chiếm gần 20%. TPHCM là địa phương có số lượng các CLB bơi lội, hệ thống hồ bơi cao nhất nước với khoảng gần 100 hồ bơi lớn, nhỏ, trong đó có 11 CLB huấn luyện bơi lội do ngành TDTT trực tiếp quản lý. Ông Chung Tấn Phong, Chủ nhiệm Trung tâm đào tạo bơi lội TPHCM, cho biết, thông thường vào mỗi dịp nghỉ hè, các CLB bơi lội đều có tổ chức các lớp hướng dẫn bơi phổ cập cho đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng. Ngoài ra, tại các cơ sở quận, huyện, ngành giáo dục thường xuyên phối hợp với các Trung tâm TDTT tổ chức các lớp bơi lội cho học sinh cấp tiểu học trong chương trình chính khoá, đây cũng là cơ sở để phát hiện những mầm non bơi lội trong tương lai.

Theo ông Phong, đối tượng để có thể tiếp thu và hoàn chỉnh kỹ thuật bơi tốt nhất là ở độ tuổi nhi đồng từ 5 đến 7 tuổi và phổ biến hiện nay đã có nhiều trường cấp 1 tổ chức cho học sinh tham gia chương trình này, đồng thời xem đây là một trong những tiêu chuẩn rèn luyện thân thể học đường.

Vụ Thể thao quần chúng Ủy Ban TDTT quốc gia cho biết, việc xóa mù bơi bằng chương trình hướng dẫn bơi phổ cập trên toàn quốc cho đến nay vẫn được tiến hành tốt. Tuy nhiên, việc tổ chức này chưa thể tiến hành đồng đều tại các địa phương do điều kiện cơ sở hồ bơi còn thiếu thốn và chỉ có thể tập trung ở các tỉnh, thành lớn.

T.K