Đụng đâu cũng gặp vi khuẩn tiêu chảy cấp!
19 tỉnh, TP có bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm - Sở Y tế TPHCM sẽ làm việc với ngành đường sắt để sớm có kế hoạch khử khuẩn các toa tàu
Trước những diễn biến phức tạp của dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, hôm nay, 12-4, Thủ tướng Chính phủ sẽ có buổi làm việc với Bộ Y tế về các biện pháp kiểm soát sự lây lan của dịch này.
Kem cũng nhiễm vi khuẩn
Theo Bộ Y tế, đến hết ngày 11-4, số bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp đã lên đến trên 1.000, trong đó gần 200 ca tả. Hiện đã có thêm Cà Mau, Đà Nẵng và Gia Lai có bệnh nhân nghi mắc tả, nâng số địa phương có bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm lên 19 tỉnh, TP, ở cả 3 miền.
PGS-TS Trần Đáng (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm) cho biết, kết quả xét nghiệm một số mẫu thực phẩm chín ở các TP cho thấy đụng đâu cũng có vi khuẩn gây tiêu chảy cấp. Tại TPHCM, 90% các mẫu thức ăn đường phố, kem bán rong ở cổng trường nhiễm E.coli- một loại vi khuẩn đường ruột gây bệnh tiêu chảy cấp. 100% các mẫu giò, nem chua, lòng lợn, chả quế ở Nam Định đều nhiễm E.coli. Tương tự, tại Huế, Cà Mau..., 35%- 80% mẫu thức ăn chín ở đường phố, thịt, cá, rau... có vi khuẩn E.coli.
Theo ông Đáng, phát hiện thấy E.coli là sẽ có các vi khuẩn đường ruột khác như tả, lỵ, thương hàn. Qua kiểm tra những người chế biến thực phẩm thức ăn đường phố, tỉ lệ bàn tay có nhiễm E.coli tới 70%-80%. Ông Đáng cũng cảnh báo, hiện chưa có biện pháp bảo quản thực phẩm khỏi ruồi và bụi. Ruồi, bụi có thể bám theo tàu, xe, thuyền bè, máy bay đi khắp nơi, chuyển theo nhiều mầm bệnh.
TPHCM: Triển khai tháng an tòan vệ sinh thực phẩm
Chiều cùng ngày, đoàn kiểm tra của Sở Y tế TPHCM đã đến khu vực có bệnh nhân bị tiêu chảy cấp tại khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức để tiếp tục khảo sát tình trạng vệ sinh môi trường, nhất là nguồn nước. Đòan đã lấy mẫu nước ngay ở bồn cầu nhà của bệnh nhân này; đồng thời lấy hàng chục mẫu nước thải sinh hoạt và nước uống trong khu vực để xét nghiệm tìm vi khuẩn tả. Đoàn đã phát hiện một cơ sở sản xuất nước uống đóng chai không giấy phép đang hoạt động ở khu vực này. Bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đã yêu cầu niêm phong ngay cơ sở này và lấy 2 mẫu nước ở đây để xét nghiệm. Bà Võ Thị Hằng, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết xung quanh nhà bệnh nhân tiêu chảy cấp có đến 30 hộ dân phải dùng nước giếng khoan và nước đóng bình của cơ sở sản xuất này. Tối cùng ngày, đoàn đã đổ hóa chất cloramin B khử trùng ở các nhà vệ sinh và dòng kênh thoát nước trong khu vực.
Trước đó, tại buổi giao ban Sở Y tế TPHCM vào chiều cùng ngày, bác sĩ Lê Trường Giang cho biết kết quả thử phân của con gái bệnh nhân ở Thủ Đức lúc đầu cũng cho kết quả dương tính với phẩy trùng tả nhưng mắc tiêu chảy cấp. Tại buổi giao ban, Sở Y tế TPHCM đã triển khai tháng an toàn vệ sinh thực phẩm từ ngày 15-4 đến 15-5. BS Giang yêu cầu Trung tâm Y tế Dự phòng TP phải thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất nước đá, nước uống đóng chai và kiên quyết đóng cửa các cơ sở không bảo đảm vệ sinh; tăng cường kiểm tra thức ăn đường phố, xe đẩy, hàng rong, bếp ăn tập thể; lấy mẫu rau trên thị trường về kiểm vi sinh...
Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP, cho biết sở sẽ làm việc với ngành đường sắt để sớm có kế hoạch khử khuẩn các toa tàu nhằm tránh lây lan dịch bệnh. Ga Sài Gòn và khu vực xung quanh sẽ được khử khuẩn thường xuyên, nhất là các thực phẩm mang từ ngoài Bắc vào. Riêng quận Thủ Đức, có bất cứ ca tiêu chảy nào đều phải báo cáo, giám sát và khử khuẩn ngay lập tức.