Đừng để ngộ độc lá ngón

Cây lá ngón còn được gọi là co ngón, đoạn trường thảo (cây đứt ruột), cỏ ngón, hồ mạn trường, hoàng đằng, câu vẫn. Tên dân gian khác là thuốc rút ruột vì cho là uống vào đứt ruột mà chết, hay thất bộ đoạn trường thảo là ăn phải chỉ đi được 7 bước là chết do đứt ruột. Tên khoa học là Gelsemium sempervirens, thuộc họ mã tiền.

Cây lá ngón thuộc loại cây bụi leo, có nhiều cành leo dựa vào cây khác. Lá mọc đối, màu xanh bóng, hình tròn đầu nhọn. Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá hoặc đầu cành, màu vàng, hình ống nhỏ, xòe 5 cánh. Mùa hoa từ tháng 6 - 10. Quả nang thon dài, màu nâu, chứa nhiều hạt. Hạt nhỏ, hình hạt đậu, màu nâu nhạt, có cánh mỏng  phát tán theo gió rất xa. Cây mọc hoang khá phổ biến ở vùng rừng núi nước ta. Thường mọc ở ven rừng hoặc bụi hoang.
 
Theo tài liệu trong nước thì hầu như tỉnh, thành nào cũng có sự xuất hiện của cây lá ngón. Tuy nhiên, lá ngón không những rất giống mà còn mọc gần nhiều cây thuốc và rau ăn nên dễ dẫn đến sự nhầm lẫn gây hậu quả chết người như hái rau về ăn, hái lá cây về làm thuốc đã hái nhầm phải lá ngón. Theo các nhà chuyên môn thì đặc điểm quan trọng để phân biệt là cây lá ngón có hoa màu vàng, còn hầu hết cây thuốc và rau ăn trông giống cây lá ngón đều ra hoa màu trắng.


Lá ngón là loại cây rất độc. Theo kinh nghiệm dân gian một người lớn chỉ ăn vài lá ngón đã có thể bị ngộ độc chết. Tuy nhiên, không chỉ lá mà tất cả các bộ phận của cây lá ngón như rễ, thân, cành, lá, hoa, quả và hạt đều chứa các chất độc nguy hiểm. Độc chất là gelsemine, gelseminine và gelsemiodine, có hoạt tính giống atropine hoặc tương tự solanine, tùy vào độ trưởng thành của cây. Tác dụng độc chủ yếu ức chế và làm liệt đầu tận thần kinh vận động. Ức chế các tế bào thần kinh vận động của não và cột sống gây nhức đầu, khó nói và khó nuốt, và sụp mi, vã mồ hôi, yếu liệt cơ, liệt cơ hô hấp, co gồng, co giật, suy hô hấp và chết rất nhanh do ngừng hô hấp. Ngộ độc do lá ngón rất độc, diễn tiến rất nhanh nhưng không có thuốc giải độc do vậy tử vong rất khó tránh.