Giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh thế nào khi "tính đúng, tính đủ"?

(NLĐO) - Giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ và dự kiến được áp dụng từ năm 2024 khi Luật Khám chữa bệnh chính thức có hiệu lực

Sáng 29-6, tại hội thảo tập huấn triển khai, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ khám chữa bệnh, GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết Bộ Y tế đang cùng các bệnh viện phối hợp để hoàn thiện việc xây dựng danh mục định mức kinh tế kỹ thuật của hơn 10.000 kỹ thuật y tế.

Đây là cơ sở để điều chỉnh giá các dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ. Dự kiến, danh mục này sẽ được ban hành và áp dụng tại các cơ sở y tế công lập khi Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực từ 1-1-2024.

Giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh thế nào khi tính đúng, tính đủ? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ điều chỉnh giá viện phí

Ông Thuấn cho biết kết cấu của giá khám chữa bệnh gồm 4 yếu tố là chi phí trực tiếp (như thuốc, sinh phẩm...); tiền lương, tiền công; chi phí quản lý và chi phí khấu hao thiết bị. Tuy nhiên, giá dịch vụ y tế hiện hành mới kết cấu được 2 yếu tố là tiền lương và chi phí trực tiếp.

"Với khoảng 40% chi phí khám, chữa bệnh là từ tiền túi người sử dụng dịch vụ y tế, chúng tôi hy vọng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng đúng, tính đủ sẽ từng bước giảm chi tiền túi của người dân. Việc tính đúng giá dịch vụ y tế là yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và cán bộ y tế"- ông Thuấn nói.

Giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh thế nào khi tính đúng, tính đủ? - Ảnh 3.

Giá viện phí sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới

Liên quan đến giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, ông Thuấn cho biết dự kiến sẽ được Bộ Y tế ban hành trong tháng 7 tới. Các mức giá sẽ khác nhau tùy vào hạng bệnh viện, bác sĩ hay giáo sư... và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh. Thông tư giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu được ban hành với mục đích là đáp ứng nhu cầu mọi người dân tới cơ sở y tế với các loại hình BHYT hay tự chọn dịch vụ theo yêu cầu.

Trước đó, năm 2019, Bộ Y tế đã ban hành các thông tư tương tự, tuy nhiên trong bối cảnh dịch COVID-19 và tình hình kinh tế xã hội khó khăn, Chính phủ yêu cầu tạm dừng chưa thực hiện thông tư này.