Giun chỉ gây nhiều bệnh nguy hiểm
KÝ SINH TRÙNG .- Giun chỉ có thể sống tới 20 năm trong cơ thể người. Báo Người Lao Động số ra ngày 9-1 và 14-1 đã giới thiệu hoàn cảnh đáng thương của em Ngô Thanh Việt, 15 tuổi, ở xã Phước Hậu, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Việt mắc bệnh chân voi từ nhỏ, ống chân trái to gấp 4 lần chân phải và đau nhức, đi đứng khó khăn. Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM kết luận Việt bị bệnh giun chỉ. Ngày 14-1-2002, khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi lại được biết ở đây vừa tiếp nhận thêm một bệnh nhân bị bệnh giun chỉ. Đó là chị Nguyễn Thị Ngọc H. (1973, Đức Trọng, Lâm Đồng).
Tỉ lệ nhiễm: 6,01%
Theo các nghiên cứu của Viện Sốt rét Ký sinh trùng & Côn trùng, đây là bệnh phổ biến ở các nước có khí hậu nóng, đặc biệt ở Đông Nam Á. Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp vào một trong 6 bệnh nhiệt đới trong chương trình nghiên cứu và đào tạo cán bộ để phòng chống. Tại Việt Nam, bệnh lan truyền ở nhiều địa phương với tỉ lệ nhiễm khá cao, gây nhiều tác hại về thẩm mỹ và sức khỏe. Trong một điều tra lấy mẫu ngẫu nhiên từ 90.545 người ở 15 tỉnh, viện này đã phát hiện 5.444 người mang ấu trùng giun chỉ, tỉ lệ nhiễm chung là 6,01%. Tiến sĩ Trần Thị Kim Dung – giảng viên bộ môn ký sinh trùng Trường Đại học Y Dược TPHCM - cho biết: Giun chỉ có rất nhiều loại, có những loại không gây bệnh. Các loại gây bệnh đáng quan tâm nhất là W.bancrofti, B.malayi, O.volvulus, L.loa, D.medinensis. Nếu phát hiện sớm để diệt ấu trùng thì không chỉ cứu được người bệnh mà còn tránh được nguy cơ lan truyền trong các nhóm dân cư, vì bệnh này lan truyền qua các trung gian như muỗi, ruồi...
Nhiều hình thức lây truyền
W.bancrofti và B.malayi dáng như một sợi chỉ khâu màu trắng dài 4-10 cm, có thể sống ký sinh 10 năm trong hệ bạch huyết, lây truyền thông qua quá trình hút máu của những loài muỗi như Culex fatigans và Anopheles hyrcanus.
Loài O.volvulus, L.loa và D.medinensis ký sinh trong hệ mạch bạch huyết và trong mô dưới da. O.volvulus nhiễm qua trung gian là ruồi Simulium chuyên hút máu; ấu trùng phân tán tập trung vào những vùng da mỏng và có tiếp xúc ánh sáng, cũng có thể di chuyển vào mắt gây mù lòa cho khoảng 20% số người nhiễm. L.loa di động rất nhanh, có thể sống tới 20 năm và cũng đặc biệt “thích” tới mắt. Chúng được truyền qua loài mòng hút máu có tên Chrysops. Riêng loài D.medinensis lại không lây truyền qua muỗi, ruồi, mòng đốt như các loài đã nêu mà lại theo một con đường khá đặc biệt: 80% con cái trưởng thành di chuyển xuống mô dưới da chi dưới của người bệnh đến khoảng sau một năm thì gây lở loét ở mắt cá chân hoặc nơi da dễ tiếp xúc với bên ngoài; ấu trùng thoát ra khi người bệnh lội xuống nước và được một loài giáp xác nhỏ có tên là Cyclops nuốt. Người hoặc động vật hữu nhũ bị nhiễm D.medinensis chính là do uống phải nước có Cyclops.
Dấu hiệu nhận biết
Theo giáo sư Trần Vinh Hiển – Trung tâm Bệnh Nhiệt đới TPHCM - nhiễm W.bancrofti và B. malayi khoảng sau 15 tháng sẽ cảm thấy khó chịu trong người, mất ngủ, hay thức giấc vì những cơn đau ở háng, nách, bộ phận sinh dục. Rải rác một số nơi trên cơ thể bị sưng, nổi hạch, dần dần nổi hạch khắp nơi, hạch nhỏ và cứng, xuất hiện cùng lúc với những cơn hen suyễn. Giai đoạn toàn phát các mạch bạch huyết bị tắc nghẽn phình to lên ở các vùng bụng, chi, nách.
Trường hợp nhiễm O.volvulus, do giun này trưởng thành quấn vào nhau thành từng nùi, cục tạo ra những cục u lồi không đau, không dính vào da, hơi cứng, kích thước thường 3-5 cm, trên bề mặt da người bệnh, chủ yếu ở những nơi da thường tiếp xúc trực tiếp với xương như đầu, ngực, cùi chỏ, đầu gối. Ngoài ra còn có biểu hiện ngứa ở da, nhất là vùng mông, hông. Khi ấu trùng vào mắt gây ngứa mắt, chảy nước mắt. Nhiễm L.loa thì triệu chứng là ngứa ngáy khó chịu kèm theo phù nề ở vài mảng da trên mu bàn tay, ngón tay, mặt. Những mảng phù nề thường rộng chừng vài cm, không đau, hay di động, chóng mất đi. Riêng với nhiễm D.medinensis thường được phát hiện với ổ loét 1-2 mm kèm với triệu chứng nổi mề đay, hen. Từ ổ loét đi ngược lên có thể sờ thấy một đường cứng cong queo.