Hà Nội: “Ảo thuật” biến cây không hoa thành có hoa
Không chỉ ở TPHCM, ở Hà Nội cũng có vô số người bị rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi mua cây cảnh. Thật ra, trò ảo thuật biến cây không có hoa thành cây chi chít hoa, rồi cây sai oằn quả... được "giới" bán cây dạo "trổ tài" quanh năm, nhưng gần Tết thì... nở rộ
Nghe vợ kể, anh Minh (ngõ 164 Vương Thừa Vũ) biết bố vợ mình muốn có một cây bạch trà để chơi trong dịp Tết, nhưng hơn một tuần rồi, ông và người bạn cùng khu phố đi "tăm" mà vẫn chưa tìm được một cây ưng ý. Vốn không am hiểu nhiều về cây cảnh, nhưng anh Minh cũng gắng để ý, kiếm được một cây bạch trà cho bố vợ.
Trả giá cao hơn 4 người đang mặc cả, anh Minh đã mua với giá gần 500.000 đồng 2 cây, với điều kiện người bán hàng phải chở từ phố Lê Duẩn (nơi bán) về tận nhà cho mình. Sau ba ngày, chưa kịp mang sang biếu bố vợ thì cây bắt đầu... vàng lá. Lúc đầu, anh Minh nghĩ là mình không có kinh nghiệm chăm sóc cây, để cây khô quá nên lá mới bị vàng.
Sự thật được phát hiện ra khi đứa con nhỏ nghịch, nhổ bật cây lên. Lúc này anh Minh mới biết cây mà mình mua không có rễ. Cây còn lại thì khá hơn một chút vì có vài ba chiếc rễ phụ.
Hội Sinh vật cảnh Việt Nam khuyên: Trong lúc các cơ quan chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn hiện tượng bán cây cảnh giả, thì để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng nên tìm đến các địa chỉ cụ thể, chuyên bán cây cảnh trên các phố: đường Bưởi, đình Ngọc Hà, gần Bảo tàng Không quân (đường Trường Chinh), Hoàng Quốc Việt, Giảng Võ...
Đã gần một năm trôi qua nhưng khi chúng tôi gợi lại chuyện cũ, chị Hòa ở số 79 ngách 77/5 Bùi Xương Trạch vẫn không kìm chế được nỗi bực dọc. Trước khi đi mua cây kiểng, chị Hòa cũng đã biết một vài trường hợp mua phải cây giả, nên rất cẩn thận. Bỏ qua bao nhiêu hàng, chị chọn "xe hàng" của người phụ nữ mà theo chị tất cả mọi thứ từ dáng người gầy gò, cho đến cách ăn nói đều toát lên tính thật thà, chân chất của một người từ quê ra phố bán hàng. Cuối cùng, chị mua được hai cây hải đường với giá 400.000 đồng. Sợ mua phải cây giả, năm mới không may, chị Hòa còn lấy tay lay thân và bới đất lên để kiểm tra gốc cây. Nhưng đúng ngày mồng một Tết, mặc dù lá vẫn tươi nguyên nhưng hoa hải đường cứ thâm xì, đến tối thì rũ hẳn xuống. Sáng hôm sau, toàn bộ hoa đã héo quắt nhưng vẫn bám chặt cành. Khi biết chuyện, mọi người đều thừa nhận rằng, trình độ dùng keo để gắn hoa và nụ cho cây của những người bán cây kiểng dạo đã đạt đến trình độ tinh xảo, rất khó phát hiện.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều nạn nhân bị lừa bởi trò phù phép của những người bán cây kiểng dạo phố. Qua tìm hiểu, được biết, hầu hết những người bán cây kiểng trên đều từ các địa phương lận cận đến như Hà Tây, Hưng Yên... Có thể phác họa chân dung của các đối tượng này từ một số điểm: chân đi dép, cây cảnh chằng hai bên sườn xe và đạp dạo quanh khắp phố, ăn nói chất phác, thật thà và đặc biệt không bao giờ quay trở lại nơi đã bán. Một số loại cây cảnh hay bị "phù phép: địa lan, quất, hải đường, sung, trà...
Tết năm nay, chắc chắn sẽ còn nhiều nạn nhân mua phải cây kiểng giả, nếu Hà Nội không có biện pháp ngăn chặn tình trạng này. Có lẽ, biện pháp có hiệu quả nhất là ngành giao thông công chánh phải "làm chặt" và kiên quyết xử lý các trường hợp bán hàng rong, theo Quyết định 26 của UBND TP.