Hội chứng viêm não cấp tại Bệnh viện Nhi Đồng 1: Thêm 1 cháu bé 6 tháng tuổi tử vong

11 giờ 20 phút ngày 8-4, bệnh nhi L.T.T.H, 6 tháng tuổi, ngụ ở TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang được chuyển tới Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM trong tình trạng sốt cao 42 độ C, khó thở, người tím ngắt. Cách đây 3 ngày cháu bị sốt cao, khò khè và được đưa vào điều trị (lần thứ 2) tại Bệnh viện Tiền Giang. Đến đêm qua, cháu bắt đầu tiêu chảy ồ ạt. Sau khi nhập viện Nhi Đồng 1 cháu co giật và suy hô hấp. Đến 15 giờ 45 phút cùng ngày, cháu tử vong. Các bác sĩ nghi ngờ cháu bị viêm não.

 Báo NLĐ đã cảnh báo nhiều lần

Với tựa “3 ngày, 3 cháu bé mắc bệnh viêm não tử vong”, Báo Người Lao Động ngày 10-3-2003 đã chính thức lên tiếng cảnh báo về căn bệnh diễn tiến cực kỳ nhanh này (từ ngày 2 đến 5-3 có 3 ca tử vong). Liền đó, số báo ngày 11-3, phóng viên Báo Người Lao Động có cuộc phỏng vấn BS Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 - ngay sau khi đứa trẻ thứ 4 tử vong. Cùng với bài phỏng vấn là ý kiến của các chuyên gia ở Viện Pasteur, Trung tâm Y tế Dự phòng và Bệnh viện Nhi Đồng 2. Đến ngày 14-3, báo tiếp tục đưa tin về ca tử vong thứ 5; tiếp đó là các ca tử vong thứ 6, thứ 7... Tình hình đã thật sự nghiêm trọng!

6 trong số 11 trường hợp tử vong là trẻ ở TPHCM

Trước đó, ngày 7-4, 2 ca bệnh nhi đều dưới 2 tuổi ở quận 10 và huyện Bình Chánh - TPHCM cũng đã bị tử vong do hội chứng viêm não cấp. Hơn 1 tháng nay, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM đã có 11 trường hợp tử vong do hội chứng viêm não cấp. Tất cả các trường hợp mắc hội chứng viêm não cấp đều dưới 3 tuổi, có bệnh cảnh giống nhau, biểu hiện ban đầu sốt, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy không mất nước) chuyển sang co giật, hôn mê và nhanh chóng suy hô hấp rồi tử vong. Đến nay tại TPHCM đã có 6 ca tử vong, Bình Thuận: 1 ca, Đồng Nai: 2 ca, Tiền Giang: 1 ca, Long An: 1 ca tử vong, 1 ca đang được theo dõi tại Khoa Hồi sức Bệnh viện Nhi Đồng 1, hiện vẫn đang phải thở máy.

Hội chứng viêm não cấp là gì?

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, bác sĩ Trần Thị Việt, Phó Khoa Truyền nhiễm, cho biết: Tại bệnh viện chưa ghi nhận một trường hợp nào như vậy. Theo bác sĩ Việt, hội chứng viêm não cấp là sự xáo trộn chức năng não do viêm nhiễm hệ thần kinh trung ương, phần lớn là do siêu vi trùng, có thể do vi trùng, ký sinh trùng hoặc ngộ độc.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh rất đa dạng, tùy thuộc vào những tác nhân gây bệnh. Có khi diễn tiến nhanh chóng chỉ biểu hiện đơn giản là sốt nhẹ sau đó đột ngột rơi vào hôn mê rồi tử vong hoặc là những thể lâm sàng rất nặng như sốt cao, co giật nhiều lần trong ngày, diễn tiến có thể kéo dài trong nhiều ngày và đưa đến những di chứng trầm trọng, vĩnh viễn không hồi phục.

 Cần công khai sự thật về hội chứng viêm não cấp

Theo những thông tin chúng tôi thu thập từ Bệnh viện Nhi Đồng 1, nếu việc xét nghiệm của Viện Pasteur TPHCM nhằm nhận dạng thủ phạm gây ra những cái chết của bệnh nhi viêm não thất bại, sẽ có 2 khả năng: Một, Viện Pasteur TP sẽ nhờ sự hỗ trợ của Viện Pasteur Paris (Pháp); hai, Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ mang mẫu xét nghiệm sang Đài Loan hoặc mời các chuyên gia Đài Loan sang TPHCM. Các bác sĩ Nhi Đồng 1 cho biết, Đài Loan từng có mấy trăm ca viêm não và các bác sĩ ở đây đã phân lập được loại Enterovirus 71 - là loại vi-rút nghi ngờ gây ra cái chết của hơn 10 trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Sự phối hợp này hy vọng sẽ mang lại kết quả trong vòng 3-4 ngày.

Tuy không coi những ca viêm não dẫn đến tử vong vừa qua là dịch bệnh, nhưng các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng sự thật và những nan giải xoay quanh căn bệnh cần được công khai để tạo ý thức phòng ngừa trong cộng đồng; đồng thời những nỗ lực trong điều trị của các bác sĩ cũng được nhìn nhận đúng mức.

Cao Tuấn

Bệnh chia làm 3 thời kỳ: thời kỳ ủ bệnh, khởi phát và toàn phát.

Thời kỳ ủ bệnh: Kéo dài từ 5 đến 15 ngày, ít có triệu chứng lâm sàng. Thời kỳ khởi phát: Trung bình từ 1 đến 4 ngày, ngắn nhất là 12 giờ. Bao gồm những triệu chứng khởi phát giống cảm cúm với sốt 38-39 độ C, có thể có ho, tiêu chảy, nôn ói kèm theo những rối loạn về thần kinh, mất ngủ, quấy khóc vật vã, ngủ gà ngủ gật, cáu gắt, trẻ lớn có thể kêu nhức đầu. Thời kỳ toàn phát: Biểu hiện ồ ạt với sốt cao 39 đến 42 độ C hoặc hơn nữa, kèm theo những cơn co giật liên tục, ói mửa, tiêu chảy, tăng tiết đàm nhớt, sau đó đi vào tình trạng lơ mơ, li bì, mê sảng, ngủ nhiều, hôn mê ngày càng sâu. Tiếp theo, bệnh nhân có thể xuất hiện những dấu hiệu bại liệt, run giật các đầu chi. Dấu hiệu lâm sàng nổi bật trong giai đoạn này là biểu hiện thần kinh thay đổi hàng ngày, hàng giờ rất đa dạng.

 2 thể bệnh của hội chứng viêm não cấp

Thể tối cấp: Giai đoạn nhiễm trùng ngắn từ 1 đến 2 ngày. Sốt cao vọt, bất chợt, co giật liên tục, hôn mê, tử vong do suy hô hấp hoặc trụy mạch.

Thể cấp: Bệnh diễn tiến theo 3 hướng:

1. Tử vong do sốt cao 39-40 độ C, có thể giảm sốt nhưng không thể trở về bình thường, các chức năng sinh tồn (mạch, nhiệt độ, huyết áp,...) ngày càng trầm trọng và chết trong tuần lễ đầu.

2. Bệnh khỏi: Bệnh nhân hồi phục hoàn toàn trước khi ra viện.

3. Có di chứng tâm thần, thần kinh.

 Ý KIẾN CỦA CHUYÊN GIA

Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Hùng Vân, giảng viên bộ môn Vi sinh Đại học Y Dược TPHCM, thành viên chính ANSORP (Mạng Á châu nghiên cứu về vi khuẩn kháng thuốc):

Tôi nghĩ đây là bệnh viêm màng não do Enterovirus

Trong bối cảnh không có dấu hiệu của một tác nhân vi khuẩn thì việc các bác sĩ của BV Nhi Đồng 1 hướng đến viêm màng não do vi-rút là đúng. Có nhiều tác nhân vi-rút gây viêm màng não, nhưng thông thường nhất ở trẻ con vẫn là Enterovirus. Con này truyền bệnh chủ yếu qua đường tiêu hóa, cụ thể người nhiễm bệnh thải vi-rút qua phân, người lành tiếp xúc với phân và sẽ bị lây nhiễm. Trẻ con dễ bị vì chúng thường nghịch ngợm dưới đất và có thói quen đưa tay lên miệng. Vi-rút vào máu, đến hệ thần kinh trung ương và gây bệnh. Nhưng cũng nên lưu ý là Enterovirus cũng lây qua đường hô hấp vì nó cũng gây ra bệnh cảnh ở đường này. Khi nó gây ra viêm màng não thì đã là bệnh lý quá nặng, bởi đa số chỉ gây sốt nhẹ hoặc tiêu chảy thoáng qua rồi thôi.

Theo tôi việc xác định Enterovirus bằng phương pháp cấy không có giá trị hữu ích về mặt lâm sàng vì đòi hỏi quy trình chuyên chở đúng phương pháp và phải có labo nuôi cấy tế bào. Viện Pasteur TPHCM có thể làm được, nhưng cần có sự phối hợp nhịp nhàng với BV Nhi Đồng 1. Tuy nhiên, bất lợi của phương pháp cấy là từ lúc cấy cho đến lúc xác định vi-rút phải mất tối thiểu 3 tuần. Phương pháp tốt nhất hiện nay nên làm, thậm chí BV Nhi Đồng 1 cũng có thể triển khai được, theo tôi, đó là kỹ thuật PCR (kỹ thuật phản ứng chuỗi polymerase). Trái với phương pháp cấy, PCR làm đơn giản mà chỉ mất 24 giờ. Với PCR, người ta có thể xác định đây có đúng là Enterovirus hay không, sau đó đi sâu hơn là nó thuộc tuýp nào. Có hai tuýp Enterovirus gây viêm màng não là 70 và 71. Tuýp 72 thì gây viêm gan siêu vi A. Nói tóm lại, BV Nhi Đồng 1 cần khai thác tiềm năng phòng xét nghiệm của mình. Tôi khẳng định chuyện làm PCR là nằm trong tầm tay. Cần nhớ là ngay cả đối với dịch SARS hiện nay, thế giới cũng phải nhờ đến PCR.

P.Sơn ghi

Bác sĩ Phan Văn Tú- Trưởng Phòng Các vi-rút đường ruột và hô hấp Viện Pasteur TPHCM:

Chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin phòng ngừa trẻ 3 tuổi

. Phóng viên: Bác sĩ nghĩ thế nào về hướng nhận định thủ phạm các ca tử vong vừa qua tại BV Nhi Đồng 1 là vi rút entero 71?

- Bác sĩ Phan Văn Tú: Cho đến hôm nay (ngày 8-4) thì chưa có gì để  khẳng định thủ phạm của các ca tử vong nói trên mà chỉ có thể nghĩ đến vi-rút entero 71 bởi các ca tử vong ở Nhi Đồng 1 đều có những dấu hiệu giống bệnh nhân nhiễm vi rút entero 71 đã ghi nhận được ở Đài Loan, Malaysia như có hội chứng não cấp đi kèm nổi ban ngoài da, miệng, tay chân, sốt, chán ăn, ói, co giật, mê sảng v.v...

. Nhưng nếu thủ phạm đúng là vi-rút entero 71 thì liệu tỉ lệ tử vong có cao như đã xảy ra ở BV Nhi Đồng 1?

- Hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu căn cứ vào các tài liệu đang có thì vi- rút này được phát hiện tại Mỹ năm 1969. Đến năm 1997 chúng đã gây ra một vụ dịch tại Malaysia làm 12 người mắc và hầu hết đều tử vong ngay trong 24 giờ nhập viện. Từ tháng 4 đến tháng 12 năm 1998 chúng lại gây ra một vụ dịch ở Nam Đài Loan với 78 người tử vong trong số 119 người nhiễm. Tỉ lệ như vậy có thể nói là rất cao.

. Hình thức lây truyền và triệu chứng khi nhiễm vi - rút này đã được ghi nhận như thế nào?

- Về hình thức lây truyền thì cũng lây qua đường phân và miệng giống như vi-rút gây bệnh tả, lỵ v.v... Chúng lây truyền trực tiếp từ người này qua người khác chứ không thông qua một trung gian nào. Đối tượng bị nhiều nhất là ở trẻ em dưới 3 tuổi. Vụ dịch ở Đài Loan có số trẻ dưới 3 tuổi chiếm đến 72%. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè và hiện trên thế giới chưa có nước nào có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin để phòng ngừa. Việc điều trị, vì thế cũng đang rất khó khăn, chủ yếu là do bệnh tự lành kết hợp với các biện pháp hỗ trợ về hô hấp. Vi-rút này còn gây ra các bệnh khác như viêm màng não vô khuẩn, viêm não màng não, liệt mềm cấp tính v.v... Ở nước ta từ trước đến nay chưa ghi nhận có ca bệnh nào nhiễm vi-rút này, nhưng cũng không phải như vậy là không có vì thực tế là do khả năng chúng ta chưa đủ để định danh chúng. Nhưng từ thời điểm này trở đi thì viện đã có khả năng để định danh nhưng cần phải có một thời gian khoảng 1 tháng mới khẳng định được.

. Không có vắc-xin nhưng có biện pháp nào để phòng ngừa lây nhiễm trên diện rộng và hạn chế tử vong?

- Có chứ. Vì chúng lây truyền qua đường miệng và phân nên chúng ta phòng ngừa bằng việc cẩn trọng trong chăm sóc trẻ, không để trẻ lê la dưới đất, tiếp xúc với các đồ chơi, dụng cụ, thức ăn dính đất, phân. Khi trẻ có các triệu chứng của viêm não cấp như sốt, co giật, hôn mê mà lại cộng thêm các dấu hiệu có mụn nước trong miệng, bàn tay, bàn chân thì cần phải khẩn trương đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để cứu chữa.

. Xin cảm ơn bác sĩ.

L. D.Cường thực hiện