Khoai lang nướng “lên hương”
... Chia tay anh, đêm Sài Gòn chợt lạnh. Đi một quãng đường mà mùi khoai lang vẫn còn vương thoang thoảng. Bỗng dưng tôi cầu mong cho đêm nay trời đừng mưa để anh bán được đêm nào hay đêm đó, bởi đâu có ai đổi đời từ cái nghề đi bán khoai lang...
Một buổi tối rong chơi trên đường Trần Quốc Thảo, bất chợt tôi nghe mùi khoai lang nướng bay qua khen khét, thơm thơm gợi lên một nỗi nhớ quê. Và cũng bất chợt nhận ra hàng chục người và xe vây quanh một lò khoai lang nướng đang hừng hực lửa trên vỉa hè dưới một gốc cây, cạnh nhà chờ xe buýt. Giữa vòng người, xe vây quanh ấy, một chị phụ nữ đang hối hả vừa quạt lửa, vừa trở những củ khoai trên vỉ nướng, những củ khoai không kịp chín trong sự nóng lòng chờ đợi của khách hàng. Từ chỗ tò mò, tôi đâm ra thắc mắc, vì sao cái củ khoai lùi dân dã, chốn đồng quê của một thời xa lắc ấy bỗng dưng xuất hiện giữa chốn phồn hoa trong sự đón nhận nồng nhiệt của người dân thành phố.
Đắt như tôm tươi
Hàng ngày, cứ 16 giờ trở đi, các điểm bán khoai lang nướng trên đường Trần Quốc Thảo, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng... luôn tấp nập người đến để chờ mua. Một buổi tối, ghé vào một điểm bán khoai trên lề đường Nguyễn Thị Minh Khai, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước cảnh nhiều nam thanh nữ tú ăn mặc rất mốt đang đứng, ngồi vây quanh bốn bếp than đặt dưới cái vỉ lưới đầy khoai do bốn người, hai nam, hai nữ “đứng bếp”. Chị Chung – một phụ nữ trạc bốn mươi tuổi - vừa quạt bếp vừa trở khoai lang, nói với chúng tôi: “Từ chiều giờ, bốn chị em tôi không sao nghỉ tay để ăn cơm được, vì khách đến mua quá đông”. Còn những vị khách trẻ thì luôn miệng hối thúc. Câu chuyện giữa chúng tôi với chị Chung cứ bị ngắt quãng vì có quá nhiều người ghé mua, chị vừa nướng, vừa bỏ khoai vào bịch đưa cho khách, vừa thu tiền, vừa thối tiền lia lịa. Ngồi bên bếp than một lúc, người chúng tôi cũng đầy mồ hôi do hơi nóng từ bếp lò hắt ra. Khi khoai vừa chín tới, nhiều người vừa thổi vừa ăn tại chỗ một cách ngon lành.
Cách đó vài chục mét cũng nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, điểm bán khoai của anh Sơn cũng đang có hơn chục khách ngồi chờ mua. Chị Nguyễn Kim Khanh, ngụ tại chung cư Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, cho biết đã chờ đến gần nửa giờ vẫn chưa mua được khoai. Một số người vì quá sốt ruột nên đã đặt tiền trước, hẹn một lát sau quay lại lấy.
Các lò nướng khoai trên đường Lý Tự Trọng, Cách Mạng Tháng Tám... cũng nhộn nhịp không kém. Thậm chí một số lò nướng khoai vừa mới khai trương trên đường Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Lý Thường Kiệt... cũng tấp nập khách. Giá khoai lang nướng không rẻ lắm, mỗi củ từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng tùy theo lớn nhỏ, nhưng hầu hết người mua không ai ngã giá mà họ chỉ sốt ruột chờ đến lượt mình.
Trong những ngày rong ruổi theo các lò khoai, chúng tôi nhận thấy khách hàng đủ mọi giới, từ học sinh, sinh viên, người lao động bình thường đến những người sang trọng. Nhiều người còn mua về nhà để cả gia đình cùng quây quần thưởng thức sau một ngày lao động. Vì sao một món ăn dân dã chốn ruộng đồng vốn đã bị tẩy chay từ lâu lại bỗng dưng xuất hiện rầm rộ và được nhiều người dân Sài Gòn mê đến như vây? Chị Hồng Loan, ngụ tại phường Bến Nghé, một khách hàng quen thuộc của điểm bán khoai trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, bộc bạch: “Lần đầu tiên ăn thử củ khoai nướng do đứa con mua về, tôi đã bị món ăn này cuốn hút, không những có hương thơm rất lạ mà cái vị lại ngọt ngọt, bùi bùi...”. Còn một số người cho rằng họ đã quá ngán với những món ăn “cao lương mỹ vị”, những món hàng thực phẩm công nghệ nên khi có món lạ, dù bình dân nhưng họ vẫn thấy ngon và hấp dẫn...
Tồn tại được bao lâu?
Theo những người bán khoai lang nướng, nghề này xuất hiện tại TPHCM khoảng hai tháng nay, bắt đầu từ một điểm trên đường Trần Quốc Thảo (gần ngã tư Tú Xương, quận 3) của chị Lan, quê ở Trà Vinh. Nhìn người đàn bà đen đúa, ốm yếu, mồ hôi nhễ nhại bên bếp than, nhiều người động lòng mua giúp, ăn thấy ngon rồi mua tiếp, những người khác thấy lạ cũng mua ăn thử, cứ thế tạo thành một không khí ăn khoai quanh cái bếp của chị Lan. Trước khi đến với nghề này, cuộc sống chị gặp rất nhiều khó khăn, cả gia đình chỉ dựa vào nghề thợ hồ của người chồng. Cách đây bốn năm, tai họa ập đến gia đình chị: Người chồng bị bệnh thần kinh tọa, người cứ teo tóp dần không làm gì nổi đành ở nhà, gia đình đã nghèo lại càng khó khăn hơn. Không còn cách nào khác, chị Lan tần tảo sớm hôm với đủ thứ nghề để cứu gia đình: đi làm công, buôn gánh bán bưng... nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Một lần tình cờ ăn thử củ khoai lang nướng do người hàng xóm cho, chị liền nghĩ ngay đến nghề này. Bán ở quê cũng chỉ đủ sống qua ngày, một lần nghe người quen gợi ý lên thành phố, chị cũng đánh liều ra đi với một bao khoai và vài dụng cụ nướng gồm một cái vỉ lưới, một cái lò nhôm vuông, vài ký than và... cây quạt giấy... Nhưng không ngờ những thứ ấy lại làm chị đổi đời. Bây giờ, mỗi ngày chị bán gần một trăm ký khoai, lãi trên 100.000 đồng. “Nhờ vậy, cuộc sống gia đình đã bớt khó khăn hơn trước, tôi có thể dành dụm gởi về quê lo cho chồng và các con”, chị Lan hồ hởi nói. Không những thế, chị còn kéo người thân lên mở thêm nhiều điểm bán khác trong thành phố.
Một nhân vật khác trong nghề này phải kể đến là anh Nguyễn Hồng Sơn, chủ của ba điểm bán khoai lang nướng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Từ Quảng Ngãi vào TPHCM kiếm sống, đến nay anh đã có hơn mười năm trong nghề bán báo dạo. Một lần, chở vợ đi ngang qua điểm bán khoai của chị Lan, anh Sơn bị thu hút bởi mùi hương kỳ lạ phát ra từ những củ khoai nướng và nhất là cảnh đông người đứng, ngồi chờ mua. Thấy lạ, anh ghé vào mua vài củ để hai vợ chồng ăn. Vừa ăn anh vừa nghĩ: “Tại sao mình không thử làm nghề mới, vì vốn bỏ ra cũng không nhiều, nếu thất bại thì cũng chẳng sao!”. Thế là sau một ngày ngồi học lóm cách nướng khoai của chị Lan, vợ chồng anh Sơn sắm sửa một số vật dụng, tìm nguồn cung cấp khoai lang... và mở một “cửa hàng” trên vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai. “Vạn sự khởi đầu nan”, ngày đầu tiên, vợ chồng anh đã gặp rất nhiều khó khăn, khi nướng khoai khét nhiều hơn khoai chín, vì chưa bao giờ phải nướng cùng lúc với một lượng khoai nhiều như vậy. Không nản chí, mỗi tối, sau khi dọn hàng về nhà, vợ chồng anh thức đêm, lấy khoai ra nướng “thực tập”. Chỉ sau vài đêm “trắng mắt”, đến nay vợ chồng anh đã có “kinh nghiệm đầy mình”. Hằng ngày, sau buổi chiều bán báo, anh Sơn chạy đến chợ Cầu Muối lấy khoai về rửa sạch rồi cùng vợ và hai người em dọn ra bán đến 22 - 23 giờ mới nghỉ. Cực nhọc là vậy, nhưng anh Sơn cho biết chắc chắn anh sẽ theo nghề này đến khi nào khách hàng không còn ăn nữa. Anh Sơn tâm sự: “So với nghề bán báo thì nghề này cực hơn, nhưng mà thu nhập thì rất khá”. Khi hỏi về mức thu nhập mỗi ngày, anh Sơn chỉ cười mà không trả lời. Nhưng, qua vài đêm ngồi quan sát điểm bán khoai của anh, chúng tôi thấy một đêm anh bán không dưới 100 kg khoai ở mỗi lò nướng. Nếu làm một phép tính: Một ký khoai sống từ bốn đến năm củ, giá mỗi ký 2.500 đồng, bán ra mỗi củ từ 1.000 đến 2.000 đồng, với ba lò khoai như vậy, mỗi đêm anh Sơn bỏ túi hàng trăm ngàn đồng. Một khoản thu nhập hiếm có đối với một gia đình nhập cư như anh Sơn.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui trước mắt, bên cạnh những hy vọng đổi đời, anh Sơn luôn canh cánh trong lòng những nỗi phập phồng lo sợ: thứ nhất là cảnh sát giao thông (dù chưa ai bị lần nào ) vì buôn bán trên vỉa hè, thứ hai là trời mưa, thứ ba là không biết khách hàng sẽ còn ăn khoai được bao lâu nữa. Chỉ biết thu nhập được đêm nào là chắc ăn đêm đó.