Kỷ luật bác sĩ gây hoại tử 5 ngón tay bệnh nhân

Trước phản ánh của bệnh nhân rằng bác sĩ và điều dưỡng thờ ơ kém trách nhiệm khiến các ngón tay của mình có nguy cơ bị tháo khớp, ngày 26-7, sau khi tìm hiểu sự việc, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đã kỷ luật êkíp trực có liên quan.

img
Bàn tay của bà Kim bị hoại tử sau khi được chích kháng sinh. Ảnh: T.C.
 
Theo người nhà bệnh nhân, ngày 15-7, thấy vết mổ được thực hiện trước đó tại Bệnh viện Ung Bướu có dấu hiệu chảy mủ, bà Kim quay lại khoa Nội 1 của bệnh viện này khám. Các bác sĩ chỉ định tiêm 3 lọ kháng sinh Vancomycine 0,5g.
 
Sau khi tiêm lọ đầu tiên, bệnh nhân thấy bứt rứt, khó chịu, nhưng khỏe lại sau khi uống nước chanh nên được chích tiếp mũi thứ 2 trong cùng ngày. Ngay sau đó tay bà Kim bị tê, đau và có vết bầm. Người nhà lo lắng yêu cầu bệnh viện lý giải nguyên nhân, nhưng sau khi cho chụp hình tĩnh mạch, các bác sĩ cho rằng có thể do cơ địa, hoặc bị vỡ tĩnh mạch phải chờ theo dõi.
 
Đặc biệt, điều dưỡng còn có thái độ gạt ngang, phớt lờ trước phản ánh từ người nhà bệnh nhân về tình trạng đau đớn của bà Kim. Thay vì báo với bác sĩ, cô điều dưỡng lại đưa cho bệnh nhân thuốc ngủ.
 
Mũi kháng sinh thứ ba theo dự kiến sẽ được tiếp tục, nhưng người nhà bệnh nhân không đồng ý. Ngày 16-7, tay bệnh nhân tím bầm. Vì quá lo lắng, người nhà đưa bệnh nhân đi đến Bệnh viện Triều An và Bệnh viện Nhân dân Gia Định để khám. Kết quả cho thấy, các ngón tay của bàn tay được tiêm thuốc bị teo rút, tím bầm, hoại tử và nguy cơ tháo khớp là rất cao.
 
Trao đổi với VnExpress.net chiều 26-7, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người nhà bệnh nhân trên báo, bệnh viện đã tìm hiểu sự việc và khẳng định: Phản ánh của người nhà bệnh nhân về sự việc là chính xác.
 
Bác sĩ Thịnh cũng nhất trí êkíp trực tại khoa Nội 1 liên quan đến việc điều trị cho bà Kim đã cư xử không đúng mực, thiếu tích cực trong xử lý, nhất là trong cách ứng xử với bệnh nhân. Ban giám đốc bệnh viện đã quyết định cắt khen thưởng và hạ thi đua của 2 bác sĩ cùng một điều dưỡng; đồng thời nhắc nhở trước toàn bệnh viện.
 
Không phủ nhận sự thờ ơ tắc trách của cấp dưới, tuy nhiên, theo ông Thịnh, nguyên nhân gây hoại tử các ngón tay của bệnh nhân là một tai biến với kháng sinh khá hy hữu. Điều này không thể tiên lượng trước khi tiêm.
 
Cũng theo ông Thịnh, báo cáo từ các bác sĩ của Bệnh viện nhân dân Gia Định, nơi đang điều trị cho bệnh nhân, cho biết bàn tay của bà Kim đã có dấu hiệu hồng hào, tuy nhiên các ngón tay thì vẫn bị teo rút. Việc phối hợp điều trị vẫn đang được tiếp tục tiến hành.