Kỹ thuật mới: Thay đốt ngón và bàn tay

Anh N.Q.T, sinh năm 1975, bị tai nạn lao động do cây sắt đập vào bàn tay làm gãy đốt hai, ngón ba bàn tay trái. Anh đi bó bột tại bệnh viện huyện. Ba tháng sau bàn tay trái của anh bị cứng khớp không co duỗi, không nắm lại được. Ngày 19-3, các bác sĩ Khoa Chi trên Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình (TTCTCH) TPHCM đã thực hiện kỹ thuật mới: Thay đốt ngón tay cho anh T. Ngày 22-3, anh được xuất viện với tình trạng vết mổ tốt. Anh T. cũng là một trong ba bệnh nhân đầu tiên được TTCTCH điều trị bằng kỹ thuật mới này.

Hai tuần sau mổ, bệnh nhân có thể tập gập duỗi ngón ở nhà; ba tháng sau có thể cử động được

Bác sĩ Nguyễn Văn Thái – Trưởng Khoa Chi trên TTCTCH TPHCM - cho biết: Khớp ngón tay và khớp bàn tay giúp bàn tay cầm nắm, co duỗi được. Khi khớp bị hư tay sẽ cứng đờ, mất khả năng lao động. Có khá nhiều nguyên nhân gây ra cứng khớp như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chấn thương làm gãy, hư khớp; bệnh lý viêm đa khớp dạng thấp (làm biến dạng khớp ngón tay, vẹo bàn tay); bướu ở đầu khớp. Chỉ định điều trị chỉ có cách thay khớp.

Tuy nhiên, trước đây khi chưa có dụng cụ các bác sĩ chỉ có thể hàn khớp cố định ở một tư thế chức năng để bệnh nhân cầm nắm nhưng không co duỗi được. Hiện nay với các dụng cụ hiện đại vừa có được, các bác sĩ có thể cắt bỏ khớp hư của bệnh nhân, thay vào đó một khớp nhân tạo bằng chất liệu đặc biệt, thời gian nằm viện ngắn khoảng ba ngày, mức độ thành công cao, hai tuần sau mổ bệnh nhân có thể tập gập duỗi ngón ở nhà, ba tháng sau có thể cử động được.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thái cũng lưu ý mặc dù kỹ thuật này có ưu điểm lớn nhất là giúp bệnh nhân phục hồi được khả năng lao động nhưng chi phí còn khá cao, 3 triệu đồng cho một khớp nhân tạo.