Lần đầu tiên VN đào tạo bác sĩ gia đình
Bước tiến mới trong sức khỏe cộng đồng-Thông điệp của bác sĩ gia đình: “Cách tốt nhất cho bạn là thông qua tôi để đến với bác sĩ chuyên khoa sâu và bệnh viện của bạn” . Ở những nước tiên tiến, bác sĩ gia đình (BSGĐ) có thể xử lý đến 95% bệnh tật của người bệnh tìm đến họ . Bắt đầu từ tháng 5 năm này, cùng với hai trường ĐH Y Hà Nội và Thái Nguyên, Trường ĐH Y Dược TPHCM sẽ tuyển sinh lớp chuyên khoa khoa cấp I về BSGĐ. Lần đầu tiên tại Việt Nam, BSGĐ được coi là một chuyên khoa chính thức như các chuyên khoa khác là nội, ngoại, sản, nhi v.v...
. Phóng viên: Thưa ông, Trường Đại học Y Dược TPHCM đã chuẩn bị như thế nào cho bước ngoặt quan trọng trong đào tạo này?
- Tiến sĩ Lê Hoàng Ninh: Có thể nói, chúng tôi đã chuẩn bị từ lâu và khá vất vả. Nhiều chuyến đi nước ngoài, nhiều cuộc hội thảo trong nước đều hướng vào mục tiêu tạo nền tảng để phát triển BSGĐ. Nhiều chuyên gia về BSGĐ, trong đó có hai nhân vật lớn là chủ tịch Viện Hàn lâm BSGĐ Mỹ và chủ tịch Hiệp hội BSGĐ quốc tế đã từng có mặt tại TPHCM để trao đổi ý kiến xung quanh vấn đề này.
Như vậy BSGĐ ở nước ta được định hình và sẽ phát triển theo mô hình...
- Chúng tôi có nghiên cứu, tham khảo các mô hình BSGĐ ở
Nhưng có chậm không khi chúng ta bắt tay làm cái mà các nước, kể cả một số nước trong khu vực, đã triển khai hàng chục năm nay?
- Có thể là chậm, nhưng tôi không cho là quá chậm nếu so thời điểm xuất phát với điều kiện kinh tế - xã hội đất nước hiện nay. Vả lại, cuộc sống thực tiễn ngày càng cho thấy BSGĐ đang là đòi hỏi khách quan của xã hội.
Ông muốn nói đến vai trò của BSGĐ với tư cách “người dẫn đường cho bệnh nhân”?
- Đúng, nhưng đó chưa phải là tất cả.
Các BSGĐ này là những ai và họ được trang bị gì để bảo đảm là người trợ thủ đắc lực của bệnh nhân?
- Họ phải tốt nghiệp bác sĩ y khoa trước khi thi vào chuyên khoa I BSGĐ. Trong hai năm, ngoài các môn học căn bản như các chuyên khoa khác, các bác sĩ này sẽ học các môn nội, ngoại, sản, nhi, nhiễm, mắt, tai, mũi, họng để trở thành bác sĩ đa khoa thật sự. Họ cũng học những môn căn bản về xã hội - nhân văn và đặc biệt là học về quản lý hồ sơ bệnh nhân. Tóm lại, họ không chỉ hiểu bệnh mà còn phải hiểu con người.
Xin được quay lại với hình ảnh “người dẫn đường cho bệnh nhân”. Khía cạnh nào trong nội dung này khiến ông tâm đắc nhất?
- Tôi đơn cử ngay vài ví dụ mà báo chí vẫn thường đăng tải: Có những bệnh nhân ở tỉnh lên thành phố, chỉ tính riêng việc xét nghiệm, chẩn đoán thôi đã phải chạy lòng vòng ba bốn nơi. Cũng không ít trường hợp người bệnh không đến đúng chuyên khoa hay thậm chí con cái họ chẳng có bệnh gì đáng kể nhưng họ vẫn lo âu đưa về thành phố khiến cho tuyến trên ngày càng quá tải và nảy sinh những chuyện đau lòng... Các BSGĐ sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt ngay từ đầu trong những trường hợp như vậy.
Viễn cảnh thật sáng sủa! Tiếc rằng bài học nhập môn về BSGĐ chỉ mới bắt đầu...
- Vâng, chỉ mới bắt đầu, nhưng tôi tin rằng BSGĐ của chúng ta sẽ có những điều kiện cần thiết để phát triển nhanh và 100 bác sĩ đầu tiên ở VN, trong đó có 50 người ở TPHCM, sẽ có chỗ đứng xứng đáng trong xã hội.
Rào cản nào ông cho là lớn nhất trong những năm đầu tiên?
- Nhận thức và quan niệm không đầy đủ về BSGĐ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi chưa từng có BSGĐ trong nền y tế của chúng ta.
Xin cảm ơn ông!
Những điều không thể thiếu ở một BSGĐ Theo các tài liệu cơ bản về y học gia đình thì việc đào tạo các BSGĐ phải tuân thủ 6 nguyên tắc cơ bản: 1- Tính liên tục: Sự liên tục trong chăm sóc sức khỏe giúp cho người thầy thuốc phát hiện bệnh tật của các thành viên trong gia đình, số lần mắc bệnh thông qua các lần khám sức khỏe thông thường. Tất cả các BSGĐ đều cam kết chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân và gia đình của họ bất kỳ lúc nào, kể cả ngoài giờ và những ngày nghỉ. 2- Tính toàn diện: Bệnh nhân chẳng những được săn sóc dưới khía cạnh sinh học mà còn cả dưới khía cạnh tâm lý, xã hội. BSGĐ phải xem xét, cân nhắc tất cả các yếu tố này khi thiết kế một kế hoạch chẩn đoán hay điều trị cho bệnh nhân. Điều này không có nghĩa là người BSGĐ có thể làm được tất cả mọi việc mà phải cần có sự tham gia của các bác sĩ chuyên khoa nữa. Trong điều kiện hiện nay, BSGĐ có thể chăm sóc, giải quyết từ 90-95% các vấn đề bệnh tật mà họ phải đối mặt. 3- Tính phối hợp: BSGĐ chính là người điều phối việc chăm sóc cho từng bệnh nhân. Họ tìm ra những nhân viên y tế hay các nguồn lực cung cấp dịch vụ y tế thích hợp khác, cần thiết hỗ trợ trong việc chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Họ hoạt động như những người dẫn đường cho bệnh nhân và họ thường nói: “Cách tốt nhất cho bạn là thông qua tôi để đến với bác sĩ chuyên khoa sâu và bệnh viện của bạn”. 4- Tính cộng đồng: Nghề nghiệp, văn hóa, môi trường v.v... đều có thể làm ảnh hưởng đến việc săn sóc bệnh nhân. Sự hiểu biết tỉ lệ mắc bệnh hay các vấn đề sức khỏe, loại bệnh nào hay gặp nhất trong cộng đồng dân cư sẽ giúp BSGĐ chẩn đoán chính xác bệnh tật và ra các quyết định về giáo dục cùng các dịch vụ săn sóc thích hợp. 5- Tính phòng ngừa: Sự phòng ngừa bệnh tật bao gồm nhiều khía cạnh như việc tìm ra các yếu tố nguy cơ, các yếu tố giúp làm chậm lại hậu quả của các bệnh mãn tính; động viên bệnh nhân thực hiện lối sống lành mạnh. Phòng ngừa không phải chỉ khuyên thân chủ của mình không hút thuốc lá, nên tập thể dục, ăn uống hợp lý v.v... mà còn phải nhận ra các yếu tố, các dấu hiệu nguy cơ như tiền sử bệnh tật trong gia đình và tiến hành sàng lọc để phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm. 6- Tính gia đình: BSGĐ phải luôn coi bệnh nhân là thành viên của hệ thống gia đình, nhận ra ảnh hưởng của bệnh tật đối với gia đình và ngược lại. TS-BS N. H. Nam |
Chân dung và hoạt động BSGĐ tại Mỹ Trước hết, bác sĩ này phải có văn bằng hành nghề BSGĐ, được ký hợp đồng làm việc với một công ty bảo hiểm. Công ty này chịu trách nhiệm bảo hiểm y tế cho một khu vực nào đó như thành phố, quận... Công ty này chỉ định BSGĐ đến làm việc tại khu vực làng, xã và đặt văn phòng gần đó. Có từ 2 - 3 BSGĐ làm việc tại đây, mỗi người chịu trách nhiệm một số lượng hộ gia đình nhất định. BSGĐ làm việc không kể giờ giấc. Sáng đến văn phòng khám các bệnh nhân, sau đó lại đến nhà những bệnh nhân khác theo lịch hẹn. Nếu xét thấy thân chủ cần đi bệnh viện, BSGĐ sẽ chỉ định bệnh viện cụ thể và người bệnh phải tuân thủ. BSGĐ làm việc dưới sự giám sát của công ty bảo hiểm y tế và bệnh viện khu vực đó. Những sai trái của BSGĐ nếu có sẽ bị hai cơ quan trên xử lý, cụ thể là cho thôi việc hoặc yêu cầu ra tòa. Lương BSGĐ được lãnh theo hợp đồng với công ty bảo hiểm, được tính theo tỉ lệ số lần khám bệnh. BSGĐ có vai trò quan trọng và uy tín trong xã hội Mỹ. |
Không phải người bệnh nào, ngay cả những người làm trong ngành y tế, cũng hiểu hết vai trò của người BSGĐ, thậm chí có người còn lầm tưởng các bác sĩ làm phòng khám ngoài giờ là BSGĐ.
Bác sĩ gia đình là gì?
Thực tế, BSGĐ là một chuyên khoa trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho cá nhân và gia đình. Họ là những người được đào tạo để chăm sóc bệnh nhân ban đầu một cách toàn diện. Như vậy, công việc của BSGĐ khác với công việc của các bác sĩ trong bệnh viện và các bác sĩ làm ngoài giờ ở một số điểm sau:
. Là người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân và nếu họ làm tốt công việc của mình thì chi phí cho người bệnh sẽ thấp hơn rất nhiều ở những nơi chỉ có các bác sĩ chuyên khoa, hay phải nhập viện nằm điều trị vì những bệnh không cần nhập viện. Sự can thiệp sớm trong điều trị chính là giải pháp an toàn nhất để tránh các biến chứng và di chứng do bệnh tật về sau này.
. Là người cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế mang tính cá nhân, không chỉ riêng người bệnh mà cho toàn bộ gia đình. Mối quan hệ giữa họ với bệnh nhân và cả gia đình giúp họ nhìn thấu đáo mọi vấn đề kể cả về tài chính và văn hóa - xã hội... của bệnh nhân. Từ đó việc ra các quyết định về quản lý và xử lý bệnh tật được tốt hơn.
. Là người cung cấp liên tục các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mọi thành viên kể từ khi lọt lòng cho đến khi chết, giúp gia đình bệnh nhân vượt qua các khó khăn bất ổn về bệnh tật gặp phải trong cuộc sống.
Điểm cuối cùng, chức năng quan trọng nhất của BSGĐ là công tác dự phòng bệnh cấp I. Họ vận động thân chủ của mình tham gia chương trình tiêm chủng, tham vấn sức khỏe, theo dõi, giám sát bệnh nhân tại phòng khám nơi họ làm việc.
TS-BS Nguyễn Hoài