Nghiện game, nguy hiểm không thua ma túy

Ban đầu game máy tính là một trò chơi giải trí, giúp mọi người giảm căng thẳng, giải tỏa stress nhưng với những game khó, đòi hỏi tập trung cao thì khi đó người chơi sẽ căng thẳng hơn.

Từ tính chất giải trí, game trở thành một “chất gây nghiện” làm người chơi mất tự chủ, lo lắng, mệt mỏi, trầm cảm và ảnh hưởng đến tính mạng

Sau hơn một tuần điều trị hồi sức tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy do ngưng thở và hôn mê, bệnh nhân T.Q.C, 24 tuổi, ngụ tại quận 6 - TPHCM vẫn còn thở máy, hôn mê sâu và chưa có dấu hiệu tình trạng sức khỏe được cải thiện (Báo NLĐ ngày 24-9). Bác sĩ Phạm Hồng Trường, Trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu – BV Chợ Rẫy, cho biết tuy chưa kết luận được mức độ tổn thương não, nhưng tiên lượng của bệnh nhân rất xấu vì nguy cơ chết não cao.

Tử vong do trụy tim mạch hoặc vỡ mạch máu não

Bác sĩ Nguyễn Cường Nam, Trung tâm Y khoa Medic TPHCM:

Rối loạn thị giác vì chơi game

Người chơi game do sử dụng máy tính quá nhiều và quá tập trung làm mắt luôn mở to. Khi số lần chớp mắt giảm, mắt bị khô không đủ độ trơn để lau sạch bụi, lâu ngày giác mạc sẽ bị tổn thương. Ngoài ra, sự phản chiếu ánh sáng xung quanh và ánh sáng từ màn hình máy tính dễ làm mắt mệt mỏi, nếu màn hình chập chờn thì sự mệt mỏi của mắt càng nặng hơn. Ở trẻ em, do cấu tạo mắt chưa hoàn chỉnh về giải phẫu và sinh lý nên dễ bị tật khúc xạ hơn khi phải hoạt động tập trung kéo dài kèm theo những rối loạn chức năng của hệ thống thị giác (căng thẳng, mệt mỏi thị giác, khô mắt, cảm giác rát mắt, nhức mắt, chói sáng nhìn mờ, đau đầu). Ngoài ra, những người ngồi máy tính lâu thường thay đổi tư thế, ngồi không đúng cách, mỏi vai, mỏi lưng, mỏi cổ và tình trạng nặng nề hơn nếu lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên nhập viện do nghiện game, nhưng là trường hợp có mức độ tổn thương nặng nhất từ trước đến nay. BV Chợ Rẫy từng tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu do đột quỵ, nhưng chưa có trường hợp nào đường huyết giảm bằng 0 như bệnh nhân C., hậu quả của việc nhịn ăn. Theo bác sĩ Đỗ Hoàng Giao, Phó Giám đốc BV Gia Định TPHCM, tình trạng căng thẳng, lo lắng, tập trung kéo dài dễ dẫn đến những bệnh tim mạch. Vì vậy, người có bệnh tim tiềm tàng phải tập trung cao độ, ăn uống thất thường, mất ngủ kéo dài dễ tử vong do trụy tim trong khi chơi game. Riêng người dị dạng mạch máu não khi chơi game rất dễ đột quỵ do vỡ mạch máu.

Bác sĩ Nguyễn Thi Hùng, chuyên Khoa Nội thần kinh, Phó Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương TPHCM, cho rằng những trò chơi có tính chất ăn thua không giúp người chơi thư giãn mà ngược lại mức độ căng thẳng còn tăng hơn. Và ngay cả khi đối tượng không bị cao huyết áp nhưng tính chất trò chơi gây mệt mỏi, lo lắng và stress quá mức dễ làm vỡ mạch máu gây tử vong hoặc để lại những tổn thương não khó hồi phục, bệnh nhân sống đời sống thực vật.

Càng nghiện game càng stress

Về tâm lý, bác sĩ Phạm Quỳnh Diệp, Trưởng Khoa Tâm lý Trẻ em BV Tâm thần TPHCM, nhận xét việc chơi game quá mức sẽ gây nghiện không khác gì nghiện rượu và ma túy. Khi mới chơi game, người chơi rất thích thú, thời gian dành chơi game ngày càng tăng, đến một lúc nào đó người chơi bỏ luôn chuyện học hành hoặc công việc khác để thỏa mãn nhu cầu nghiện. Từ đó, cuộc sống của người chơi bị xáo trộn, mất tự chủ, mọi sinh hoạt như ăn uống, nghỉ ngơi bị đảo lộn gây cảm giác cáu kỉnh và lúc này trò chơi đã mất đi tính chất giải trí.

Theo bác sĩ Quỳnh Diệp, do quá tập trung vào trò chơi, mà cuộc sống của người nghiện game còn bị xáo trộn. Họ ngày càng ít giao tiếp với bên ngoài, dần dà trở nên cô độc. Bên cạnh đó, do tác động bạo lực của trò chơi, người nghiện game sẽ bị ảnh hưởng trở nên hung hăng, thích đánh nhau, có xu hướng bắt chước hành động trong game và mơ ước mình được trở thành nhân vật trong đó.

Bác sĩ Quỳnh Diệp cho rằng trẻ bị rối loạn tâm lý hay trầm cảm do tác động từ gia đình hay xã hội vốn rất khó điều trị, cần sự phối hợp từ phía gia đình, bản thân người bệnh và thầy thuốc trong một thời gian dài. Với trẻ bị trầm cảm do nghiện game thì việc điều trị càng khó khăn hơn do chúng bị tác động bởi mối quan hệ xung quanh và... thế giới ảo!  

Trắc nghiệm: Bạn có phải là người nghiện game?

Trả lời có hay không cho tất cả những câu hỏi, sau đó xem kết quả ở phần cuối.

1. Bạn quan tâm đến việc chơi game sao cho điêu luyện hơn, lâu bị “chết” hơn và nghiên cứu chiến thuật của trò chơi, đặt chỉ tiêu về điểm phải cho cuộc chơi lần sau?

2. Bạn ngày càng phải tiêu nhiều tiền để thỏa mãn niềm vui chơi game?

3. Nếu phải ngừng chơi hoặc tốc độ chơi không như ý, bạn trở nên dễ kích động, cáu gắt?

4. Chơi game là phương cách để bạn trốn thoát một khó khăn nào đó trong cuộc sống?

5. Sau khi game kết thúc, bạn bắt đầu chơi lại ngay sau đó để cải thiện thành tích của mình?

6. Bạn chơi game, nhưng lại nói dối gia đình hay bạn bè là đang làm một công chuyện khác?

7. Bạn bắt đầu phạm pháp (trộm cắp...) để kiếm đủ tiền chơi game?

8. Bạn né tránh bạn bè hay gia đình, ăn cắp giờ làm việc hay học hành để có thể thỏa sức chơi game?

9. Bạn phải mượn tiền bạc của người khác để thỏa mãn thú chơi game?

Kết quả: Nếu trả lời có từ 5 câu trở lên, bạn là người thật sự nghiện game.

Ph.Sơn (Theo doctissimo.fr)