Ngưng sử dụng Peritol
Nhiều năm qua, Bộ Y tế thiếu quy định về việc sử dụng Peritol. Quyết định chính thức có tiếp tục cho phép dùng Peritol để trị biếng ăn cho trẻ hay không, dự kiến, được bộ đưa ra hôm nay, 6-12
Sau khi loạt bài “Sự thật đáng sợ đằng sau thuốc trị biếng ăn” trên Báo Người Lao Động (ngày 4 và 5-12) phản ánh tình trạng các bác sĩ kê thuốc Peritol để trị chứng biến ăn cho trẻ, sáng 5-12, Trung tâm Khám, Tư vấn dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã họp và đi đến quyết định tạm dừng ngay việc sử dụng thuốc này khi kê đơn cho trẻ em.
Bất chấp khuyến cáo của nhà sản xuất
Tại buổi làm việc với Báo Người Lao Động chiều 5-12, bác sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám, Tư vấn dinh dưỡng, thừa nhận thời gian vừa qua, các bác sĩ tại trung tâm đã kê Peritol trong đơn thuốc để trị biếng ăn cho trẻ em. Tuy nhiên, việc kê đơn này dựa trên ấn bản MIMS phát hành năm 2006 về các dược phẩm đang lưu hành ở VN.
Theo ấn bản này, Peritol có công dụng chỉ định cho trẻ biếng ăn với liều 0,4 mg/kg/ngày đối với trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Nhưng thông thường, các bác sĩ tại Trung tâm Khám, Tư vấn dinh dưỡng chỉ kê bằng 1/2 và 1/3 liều dùng theo sách khuyến cáo.
Đối với những trường hợp được kê thuốc này, các bác sĩ cũng hết sức cân nhắc tình trạng biếng ăn. Do đó, việc kê đơn có thuốc Peritol chỉ khi đứa trẻ có tình trạng chán ăn kéo dài, thậm chí bỏ ăn dẫn đến suy kiệt cơ thể và trong trường hợp “bất đắc dĩ” như vậy bác sĩ mới kê Peritol. Bà Hải cho biết thêm: Không chỉ riêng trung tâm, nhiều cơ sở y tế khác cũng kê thuốc Peritol cho trẻ biếng ăn.
Tuy nhiên, theo những thông tin mà chúng tôi nắm được sau khi đọc hướng dẫn sử dụng thuốc Peritol (Hungary), nhà sản xuất đã khuyến cáo với những dòng chữ in đậm “Không sử dụng Peritol cho trẻ dưới 2 tuổi”. Đồng thời, trong hướng dẫn sử dụng, nhà sản xuất cũng nhắc lại nội dung này 2 lần.
Quy định, hướng dẫn thiếu thống nhất
“Trước ý kiến trái chiều liên quan đến thuốc Peritol, sáng 5-12, chúng tôi đã họp toàn thể các bác sĩ tại Trung tâm Khám, Tư vấn dinh dưỡng và đề nghị các bác sĩ tạm thời dừng kê Peritol trong đơn thuốc trị biếng ăn đối với bất kỳ trường hợp nào. Hiện chúng tôi đang chờ một quyết định cuối cùng từ phía Bộ Y tế về việc có hay không cho phép sử dụng Peritol để kê cho trẻ trị chứng biếng ăn”- bà Hải cho biết thêm.
Có thể hiểu rằng những băn khoăn của Trung tâm Khám, Tư vấn dinh dưỡng cũng có cơ sở vì chỉ với một loại thuốc như Peritol nhưng ở nhiều tài liệu khác nhau, loại thuốc này được thông tin khác nhau, nhất là liều dùng, chỉ định dùng và phản ứng phụ. Hơn nữa, Bộ Y tế cũng chưa có bất kỳ một quy định nào về việc cấm sử dụng hay không cấm sử dụng loại thuốc này.
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cũng thừa nhận: Những phản ứng phụ của thuốc Peritol là rất lớn. Hôm nay (6-12), Bộ Y tế sẽ có quyết định chính thức về việc có tiếp tục cho phép sử dụng Peritol để trị chứng biếng ăn cho trẻ em hay không.
Không có “thuốc trị biếng ăn” trong thực tế Theo giáo sư Nguyễn Thu Nhạn, Chủ tịch Hội Nhi khoa VN, việc sử dụng thuốc để trị biếng ăn đã xuất hiện từ hơn 20 năm trước ở VN. Ở những năm 80 của thế kỷ trước, tại VN, các bác sĩ khá “rộng tay” khi kê đơn thuốc có Estrogene để trẻ tăng cân nhanh, nhưng đây là thuốc trị các bệnh nội tiết, biểu hiện lên cân sau khi sử dụng chỉ là hiện tượng giữ nước tạo béo giả. Hơn nữa, việc sử dụng loại thuốc này cũng hết sức nguy hại đối với phụ nữ và có thể khiến phụ nữ mọc râu dẫn đến nam hóa. Việc sử dụng thoải mái hay lạm dụng những loại thuốc có những phản ứng nguy hiểm như vậy là không nên. Trên thực tế, hoàn toàn không có thuốc trị biếng ăn mà chỉ là thuốc có tác dụng hỗ trợ, kích thích ăn uống giúp cơ thể tăng sức đề kháng. Hội chứng biếng ăn ở trẻ có nhiều nguyên nhân mà chỉ với cách điều trị đơn thuần bằng thuốc thì không hiệu quả. N.D |