Nhập học, coi chừng bệnh tay chân miệng lây lan
(NLĐO) - Đã có 80 người tử vong vì bệnh tay chân miệng. Bệnh này cũng đã lan ra 52 địa phương với 32.588 ca mắc bệnh. Biết tường tận cách phòng tránh và xử lý khi phát hiện bệnh sẽ giúp cho các bậc cha mẹ đối phó với căn bệnh này tốt hơn.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do siêu vi trùng đường ruột gây ra. Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi gây biến chứng nặng về thần kinh, tim mạch, hô hấp, thậm chí có thể tử vong.

Ảnh minh họa Internet
Dự báo, bệnh tiếp tục lây lan mạnh trong những ngày tới khi các trường đồng loạt khai giảng. Do vậy, các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý những biện pháp phòng bệnh cho trẻ sau đây.
Các biện pháp phòng ngừa:
Các chuyên gia y tế cho biết muốn phòng ngừa bệnh tay chân miệng, chúng ta cần thực hiện tốt các việc sau đây:
- Giữ vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, lau rửa vật dụng cá nhân, rửa và phơi nắng đồ chơi.
- Cho trẻ ăn thức ăn chín, uống sôi, ăn đủ bữa (3-5 bữa/ngày), đủ dinh dưỡng (bột, đạm, dầu, rau). Các bậc phụ huynh nên cho trẻ ăn nhiều trái cây sạch sau khi ăn cháo, bột để tăng cường vitamin và yếu tố vi lượng.
- Không cho trẻ ngậm đồ chơi hay núm vú cao su.
- Đồ chơi và muỗng, chén của trẻ phải rửa sạch mỗi ngày và không nên chơi chung, ăn chung với những trẻ có bệnh.
- Rửa tay sạch sẽ trước ăn và sau khi đi vệ sinh
- Cách ly khi có người nhà hoặc trong lớp học có trẻ nghi ngờ bị bệnh.
Khi trẻ bị bệnh:
* Cách phát hiện bệnh:

Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh. Ảnh: Sức khỏe Đời sống
Biểu hiện sớm nhất của bệnh là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Trẻ xuất hiện triệu chứng như: loét họng, những nốt hồng ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Theo thời gian, các nốt hồng ban này biến thành các bóng nước, sau đó vỡ ra và đóng mài. Một số trường hợp hồng ban không mọc ở lòng bàn tay, lòng bàn chân mà ở đầu gối, vùng mông và quanh hậu môn.

Ảnh minh họa
Trong giai đoạn cấp, ngoài những dấu hiệu trên, đôi khi bệnh kèm theo triệu chứng như đau họng, hạch ở cổ, hạch dưới hàm, ho, sổ mũi, nôn ói, tiêu chảy. Ở một số ít trường hợp, trong giai đoạn diễn tiến, siêu vi gây bệnh xâm nhập hệ thần kinh trung ương, sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác như lơ mơ, li bì, mê sảng hay co giật. Trẻ có thể tử vong hoặc hồi phục sau một thời gian điều trị vẫn còn những rối loạn tâm thần kinh kéo dài.

Trẻ bị bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh tư liệu NLĐ
* Chăm sóc trong lúc trẻ phát bệnh:
- Khi trẻ bệnh nên cho trẻ nghỉ học để chăm sóc và theo dõi tốt, giảm lây lan.
- Vệ sinh thân thể: cho trẻ súc miệng mỗi ngày, chăm sóc da bằng cách tắm nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bóng nước hay trầy sướt da, thay quần áo sạch hàng ngày. Cắt ngắn móng tay để giảm tổn thương da do gãi ngứa. Lưu ý, trẻ không cần kiêng cữ gió và ánh sáng, không chọc vỡ bóng nước, không đắp lá cây vì sẽ gây nhiễm trùng da.
- Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên, giữ sạch đồ chơi, vật dụng và sát trùng sàn nhà nơi trẻ chơi.

Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên để phòng bệnh. Ảnh minh họa
- Người chăm sóc rửa tay sạch bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ, sau mỗi lần vệ sinh, thay tã cho trẻ, trước và sau khi cho trẻ ăn.
- Phụ huynh cho ăn thức ăn như bình thường nhưng làm lỏng, mềm như cháo bột (kể cả trẻ lớn) vì thức ăn cứng làm trẻ đau rát miệng. Sau khi ăn cần súc miệng sạch sẽ và để trẻ nghỉ ngơi trong 3- 4 giờ sau đó mới cho ăn bữa khác.
- Cần uống bổ sung vitamin và khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ.
* Triệu chứng nặng:
Các bậc phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất ngay khi có một trong những dấu hiệu sau: sốt cao (từ 38,5°C trở lên); ói nhiều; giật mình, hốt hoảng; run chi; yếu liệt tay hoặc chân.