Nhiều trẻ em bị sẹo co rút ở tay

Vừa ngồi xuống mâm cơm, bé N.T.K, 2 tuổi quê ở Cần Thơ đã đột ngột nhúng luôn hai bàn tay vào bát canh vừa đun sôi. Thấy K. chỉ bị phỏng với diện tích nhỏ ở ngón tay, bố mẹ K. chủ quan nghĩ chỉ bị phỏng nhẹ nên tự điều trị vết thương cho K. tại nhà. Thế nhưng, sau một thời gian, ngón tay của K. cứ từ từ co rút lại và rồi hoàn toàn không cử động được. Đến lúc này gia đình mới vội vàng đưa cháu đến bệnh viện điều trị.

Theo bác sĩ Nguyễn Bảo Tường, Trưởng Khoa Phỏng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, trung bình mỗi năm bệnh viện nhận điều trị khoảng 300 trẻ bị phỏng ở ngón tay, bàn tay.

Cũng theo bác sĩ Tường, nguyên nhân gây phỏng bàn tay, ngón tay ở trẻ thường do gia đình rất vô ý để những món ăn hay nước vừa nấu sôi ngay cạnh trẻ và trẻ chỉ có việc.. đưa tay vào. Thấy diện tích phỏng ở tay trẻ không lớn, các bậc cha mẹ thường can thiệp theo kiểu dân gian như bôi nước mắm, xoa các loại thuốc mỡ, kem đánh răng... vào vết phỏng, hoặc đưa đến một cơ sở y tế gần nhà để băng bó vết phỏng. Kể cả sau đó thấy tay có những dấu hiệu bất thường như co rút, không cử động được... nhưng do bận rộn hoặc đang khó khăn về kinh tế nên nhiều bậc cha mẹ sau nhiều năm mới đưa trẻ đi điều trị. Bác sĩ Tường nhấn mạnh riêng ở trẻ em, quá trình phát triển thể chất song song với quá trình lành sẹo, do vậy nếu không can thiệp sớm tay trẻ sẽ bị biến dạng. Trẻ phải mang một bàn tay xấu xí, co quắp và không cử động được suốt đời.

Bác sĩ Tường giải thích sự lành sẹo phụ thuộc vào các nguyên bào sợi. Bình thường các nguyên bào sợi sẽ kéo các vết thương nhỏ lại, mau lành. Nhưng trong trường hợp các bào sợi phát triển quá mức do cách điều trị không đúng, vết thương bị nhiễm trùng, trẻ bị suy dinh dưỡng, có cơ địa sẹo lồi thì sẽ làm sẹo co rút, các ngón tay có thể bị dính lại với nhau, hoặc sẹo phát triển to (sẹo lồi) ảnh hưởng đến chức năng vận động và mất thẩm mỹ. Thông thường thời gian ổn định sẹo là sau 6 đến 24 tháng.

Đối với sẹo phỏng sau khi lành vết thương, phải tiếp tục theo dõi diễn tiến lành sẹo để đề phòng sẹo có thể phát triển theo chiều hướng co rút. Quá trình tập vật lý trị liệu sau khi lành sẹo rất quan trọng trong việc phục hồi chức năng của các ngón tay, bàn tay của trẻ.