Nồi nhôm, inox kém chất lượng có thể gây độc

KIẾN THỨC TIÊU DÙNG.- Trên thị trường hiện nay, hàng hóa và dịch vụ ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đó là thực tế không ai phủ nhận. Tuy nhiên, giữa một rừng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mới cũng đã xuất hiện một số loại có nguy cơ “lợi bất cập hại”. Trang Sức khỏe - Lối sống - Tiêu dùng sẽ có loạt bài cảnh báo về thực trạng này.

Kỳ này, chúng tôi đề cập đến hàng nhôm inox kém chất lượng - một loại hàng hóa rất phổ biến hiện nay và dịch vụ massage chân - loại dịch vụ mà thực tế đang diễn ra rất phức tạp.

Trên thị trường hiện nay, các vật dụng nhà bếp như xoong, nồi, chảo, bình nấu nước... được làm từ nhôm, inox chiếm đa số. Bên cạnh những sản phẩm của các hãng có tiếng kể cả hàng sản xuất trong nước và nhập ngoại, còn có nhiều sản phẩm giá rẻ của các cơ sở sản xuất thủ công và cũng có không ít hàng Trung Quốc mẫu mã rất đa dạng nhưng chất lượng rất phức tạp. Vì vậy các nhà chuyên môn lưu ý người tiêu dùng khi mua các sản phẩm này nên chọn hàng đảm bảo chất lượng không những để được sản phẩm bền, đẹp mà còn vì yếu tố sức khỏe.

Inox cũng có đủ loại

Theo tiến sĩ vật liệu Nguyễn Ngọc Hà, Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, thông thường nhôm dẻo được nhập theo dạng thỏi hoặc tấm, nếu là nhôm thỏi sẽ được cán ra tấm, đưa sang công đoạn ủ cho mềm và cắt dập cho ra sản phẩm. Thế nhưng còn có một số cơ sở tận dụng nhôm từ phế liệu để nấu lại. Đối với sản phẩm đồ nhôm giá rẻ thường sử dụng nguyên liệu không nguyên chất, cũng như không qua công đoạn thụ động hóa bề mặt để sản phẩm chống được ăn mòn, nên sau vài lần sử dụng, bề mặt sản phẩm bị nổi một lớp bột có màu trắng xám, nguy hiểm cho người dùng.

Tương tự, inox cũng có đến cả trăm loại, nhưng thường được chia thành 2 nhóm inox hít và không hít với nam châm. Inox không hít sử dụng thích hợp cho việc nấu thức ăn, inox hít thích hợp cho sản phẩm dao, muỗng nĩa do có độ cứng và bén. Chủ yếu inox được nhập theo dạng thỏi hoặc tấm về để gia công qua công đoạn biến dạng dẻo, dập ép thành sản phẩm và đánh bóng. Ngoài ra, còn có một số cơ sở sản xuất inox bằng cách thu mua phế liệu về nấu ra thành dạng thỏi, qua công đoạn cán, dập ép cho ra sản phẩm. Khử chưa triệt để tạp chất, cho ra thành phần không đúng mác quy định làm cho sản phẩm dễ bị gỉ sét.

Inox có thành phần chính là sắt, crom, niken. Sản phẩm tốt hay xấu phụ thuộc vào công thức sản xuất của từng hãng để cho ra sản phẩm phù hợp với công dụng sử dụng. Chẳng hạn inox có mác 304 thích hợp trong môi trường dùng để nấu thức ăn, mác 420 sản xuất dao, muỗng nĩa do có độ cứng và độ mài mòn cao, mác 316 chịu được môi trường axít, mác 430 có ưu điểm là giá rẻ nhưng dễ bị hoen gỉ. Một số cơ sở sản xuất không sử dụng kim loại đúng tiêu chuẩn, đúng mác nhằm hạ giá thành, đạt lợi nhuận cao.

Muối nhôm rất độc

Theo tiến sĩ Bùi Trung, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Hóa học, bản thân nhôm dễ bị tác động của môi trường từ các chất ăn mòn. Trong môi trường muối, chua làm cho nhôm dễ bị rỗ mặt dẫn đến phóng thích ion Al 3+ theo thức ăn vào cơ thể sẽ gây hại cho thần kinh. Đối với nhôm không nguyên chất thì quá trình ăn mòn càng nhanh. Nồi, chảo bằng nhôm, inox có sử dụng hợp chất hữu cơ để chống dính, chống ăn mòn vẫn gây hại cho sức khỏe nếu sử dụng hợp chất này không đúng tiêu chuẩn.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà cũng nhấn mạnh: Đối với sản phẩm bằng inox vẫn gây độc như thường, nếu sản phẩm đó không đạt chất lượng, có nhiều tạp chất. Đối với đồ nhôm dù là nhôm tốt, nếu không được xử lý bề mặt tốt thì độ ăn mòn của nhôm cao nhất là trong môi trường muối, chua. Chẳng hạn như kho cá, thịt để lưu một thời gian sẽ gây ra phản ứng muối nhôm rất độc cho cơ thể.

 

 Năm điều cần lưu ý khi sử dụng

 

1- Không nên để nồi, chảo trên bếp có lửa thời gian dài mà không có thức ăn, nước. Nên vặn lửa nhỏ, sau đó cho thức ăn vào mới vặn lửa to dần. Nếu không nồi, chảo sẽ bị cháy dẫn đến bong tróc lớp bảo vệ và hiện tượng ăn mòn xảy ra cao hơn.

2- Trong quá trình nấu nướng nồi, xoong bị cháy nám cũng không nên dùng vật cứng để chà cạo. Có thể khắc phục bằng cách cho nước pha 10% chất tẩy rửa, đun sôi khoảng 10 phút giúp cho lớp cháy khê bong ra, lúc đó pha nước lạnh vào và dùng vải mềm để lau chùi. Không dùng bàn chải sắt, bùi nhùi bằng kim loại để chà, cạo trên sản phẩm sẽ làm bào mòn lớp thụ động hóa hoặc lớp oxýt nhôm tự có trên bề mặt.

3- Không nên ngâm hoặc rửa sản phẩm ngay sau khi mới đun nấu xong, làm vậy vật dụng sẽ dễ bị biến dạng do nhiệt độ thay đổi đột ngột.

4- Đối với đồ nhôm không nên dùng để chứa muối, giấm, bia, rượu, nước mắm... Khi kho cá, thịt xong nên sử dụng liền, tránh để cả ngày.

5- Khi chọn mua loại đồ inox để nấu nên chọn loại inox không hít, có mác thông dụng trên thị trường có ký hiệu 304. Chọn hãng có uy tín, sản phẩm có mác tiêu chuẩn rõ ràng.