Non Dairy Creamer xuất xứ Thái Lan cũng có melamine

Hôm nay, 2-10, Bộ Y tế công bố toàn bộ sản phẩm có melamine Không chỉ phát hiện có melamine, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều sản phẩm sữa, chế biến từ sữa đã quá hạn sử dụng, nguồn gốc không rõ ràng. >>> Xem danh sách 65 sản phẩm có melamine do WHO công bố

Niêm phong toàn bộ lô hàng

Thông tin từ Chi cục QLTT TPHCM cho biết đang niêm phong toàn bộ số hàng sữa bột, nguyên liệu tại chi nhánh của Công ty Cổ phần Hóa chất Á Châu (TPHCM), lô K4B, Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh–TPHCM để làm rõ thêm các vấn đề liên quan, do cơ quan y tế vừa thông báo với chi cục vừa phát hiện một mẫu Non Dairy Creamer (xuất xứ Thái Lan) có melamine được lấy tại chi nhánh trên. Trước đó, ngày 25- 9, cơ quan y tế đã lấy 6 mẫu sữa, nguyên liệu tại đây để xét nghiệm. Cũng trong ngày 25- 9, Đội QLTT Bình Chánh phát hiện chi nhánh trên đang chứa 146 mặt hàng sữa bột, nguyên liệu chế biến thực phẩm, với số lượng 1.921 tấn. Trong đó có 6 mặt hàng sữa bột với số lượng hơn 225 tấn có xuất xứ Pháp, Mỹ, Thái Lan, Úc, Hà Lan, Singapore, Thụy Sĩ. Trong đó, Non Dairy Creamer xuất xứ Thái Lan có số lượng gần 38 tấn (37.831 kg). Hiện cơ quan chức năng tiếp tục lấy mẫu sữa, nguyên liệu tại các lô còn lại để kiểm tra.

Mới đây, ngày 30- 9, Chi cục QLTT TPHCM đã tiến hành niêm phong 16 tấn Non Dairy Creamer xuất xứ Thái Lan, chủ hàng là Công ty An Huy.

Nhiều sản phẩm quá hạn sử dụng

Cùng ngày, Đội QLTT Tân Phú kiểm tra tại số 205 Lê Lâm, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú đang chứa nhiều mặt hàng sữa quá hạn sử dụng. Tại hiện trường có 114 hộp, bịch sữa bột mang nhãn hiệu Bonny, Maxi, Gold, Max Gold... đều hết hạn sử dụng từ năm 2007. Phần lớn số sữa trên, thể hiện trên bao bì là của Công ty TNHH Chế biến LTTP Vạn Niên (47/3 Trần Hưng Đạo, phường Tân Thành, quận Tân Phú-TPHCM). Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện thêm trên 50 hộp, bịch sữa bột các loại mang nhãn hiệu tương tự nhưng được ghi trên bao bì là của Công ty TNHH Chế biến LTTP C.M.B (31A Dân Tộc, phường Tân Thành, quận Tân Phú - TPHCM). Toàn bộ số sữa này cũng hết hạn sử dụng từ năm 2007.

Cũng trong ngày 30- 9, Đội QLTT Bình Tân kiểm tra Công ty TNHH Vệ Vương (608 Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân-TPHCM), sản xuất cà phê sữa đóng gói, rau câu. Công ty này mua sữa của Công ty TNHH MCS (Bàu Cát, quận Tân Bình-TPHCM), với số lượng 24.000 kg, trên bao bì không ghi quốc gia sản xuất, còn nhãn phụ ghi do Trung Quốc sản xuất). Số sữa trên đã đưa vào sản xuất hết một nửa, hiện chỉ còn 12.700 kg.

Hà Nội : Sữa tươi tiệt trùng của Anco có melamine

Chiều qua (1-10), lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã thông báo kết quả kiểm nghiệm 4 mẫu sữa do đoàn thanh tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Hà Nội lấy trong thời gian qua. Theo đó, mẫu sữa bột nguyên kem (Full cream milk powder) lấy tại Công ty Anco (Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội) có melamine với hàm lượng 203 microgam/kg sữa. Ba mẫu sữa còn lại đã được Trung tâm Kiểm nghiệm ATVSTP của Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định không nhiễm melamine là sữa bột gầy New Zealand của Vinamilk, sữa Whey Powder của Anco và sữa cô đặc của cơ sở Ất Thảo (Tản Lĩnh, Ba Vì).

Điều đáng nói là mẫu nguyên liệu sữa có melamine này được Công ty Anco mua của Công ty Hoàng Lâm (136 Hồ Tùng Mậu, Hà Nội) - cơ sở đã bị Cục ATVSTP “quên” cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng cho 42 tấn nguyên liệu sữa bột của Trung Quốc khi nhập về VN (Báo NLĐ thông tin ngày 30-9). Được biết, lô hàng 42 tấn sữa nguyên liệu này, ngoài Công ty Anco còn được bán cho Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoi Milk), khoảng 17 tấn. Lo ngại hơn là số nguyên liệu sữa này được Công ty Hoàng Lâm mua của Công ty Weihai Jinbao (Quảng Đông - Trung Quốc), nhưng công ty này lại không nằm trong danh sách 22 công ty Trung Quốc có sữa nhiễm chất gây sạn thận mà Đại sứ quán Trung Quốc tại VN thông báo.

Hiện tại, trong kho của Công ty Anco còn khoảng 2 tấn bột sữa Full cream milk powder nên Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu công ty niêm phong và tiêu hủy theo đúng quy định.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết không chỉ mẫu sữa nhập từ Trung Quốc mà một số sản phẩm nhập từ các quốc gia khác như: Thái Lan, Malaysia cũng đã được xác định ban đầu là có melamine, tuy nhiên, Bộ Y tế sẽ kiểm tra xác định lại bảo đảm tính chính xác.

Ông Quang cho biết ngay trong hôm nay, 2-10, Bộ Y tế sẽ công bố toàn bộ danh sách những sản phẩm đã nhiễm melamine một cách chính thống. Đây là danh sách mới nhất về kết quả xét nghiệm melamine, đồng thời nếu phát hiện thêm sản phẩm nhiễm melamine, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cập nhật và công bố rộng rãi. Với sản phẩm bánh, kẹo có nhiễm melamine được một số nước phát hiện, Bộ Y tế đã yêu cầu Cục ATVSTP đối chiếu với hồ sơ, nếu đã từng công bố tại VN sẽ cho thực hiện xét nghiệm ngay chất melamine.

22 cơ quan, đơn vị đủ điều kiện xét nghiệm chất melamine

Ngày 1-10, Bộ Y tế đã công bố 22 cơ quan, đơn vị đủ điều kiện, phương tiện thực hiện xét nghiệm tìm chất melamine.

1. Viện Dinh dưỡng (48 Tăng Bạt Hổ, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội); 2. Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM (159 Hưng Phú, Q.8-TPHCM); 3. Viện Pasteur Nha Trang (8-10 Trần Phú, Nha Trang, Khánh Hòa); 4. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên (59 Hai Bà Trưng, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk); 5. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (8 Hoàng Quốc Việt, Q. Cầu Giấy, Hà Nội); 6. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 (2 Ngô Quyền, TP Đà Nẵng); 7. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3-TPHCM (số 7, đường 1, KCN Biên Hòa 1, Đồng Nai); 8. Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương (48 Hai Bà Trưng, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội); 9. Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM (200 Cô Bắc, Q.1-TPHCM); 10. Viện Hóa học -Viện Khoa học VN (18 Hoàng Quốc Việt, Q. Cầu Giấy, Hà Nội); 11. Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên -Viện Khoa học VN (18 Hoàng Quốc Việt, Q. Cầu Giấy, Hà Nội); 12. Viện Hóa học công nghiệp – Bộ Công Thương (2 Phạm Ngũ Lão, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội); 13. Công ty Cổ phần Giám định VINACONTROL (54 Trần Nhân Tông, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội); 14. Chi nhánh Công ty Cổ phần Giám định VINACONTROL tại TPHCM (80 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3-TPHCM); 15. Viện Công nghiệp thực phẩm - Bộ Công Thương (218 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân, Hà Nội);

16. Trung tâm Giáo dục và Phát triển Sắc ký - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (2 Đại Cồ Việt, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội); 17. Trung tâm Dịch vụ và Phân tích thí nghiệm - Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM (2 Nguyễn Văn Thủ, Q.1-TPHCM);

18. Phòng Thí nghiệm Bộ môn Hóa lý - Đại học Y Dược TPHCM (217 Hồng Bàng, Q. 5-TPHCM); 19. Viện Pasteur TPHCM (167 Pasteur, Q.3-TPHCM); 20. Viện Nghiên cứu rau quả - Bộ NN-PTNT (thị trấn Châu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội);

21. Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc - Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT (phố Hồ Đắc Di, Q. Đống Đa, Hà Nội); 22. Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương-Cục Thú y, Bộ NN-PTNT (Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội).

(Nguồn: Bộ Y tế)

 

Sản phẩm của Nutifood, Vinamilk không có melamine

Ngày 1-10, Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood) đã có thông báo về kết quả kiểm nghiệm melamine đối với sản phẩm của mình. Theo đó, từ ngày 24-9, Nutifood đã chủ động gửi các mẫu sữa đến Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm (Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM) để kiểm tra và có kết quả: Tất cả các nhãn sữa cùng nguyên liệu sản xuất của Công ty Nutifood không có melamine.

Trước đó, Công ty Cổ phần Sữa VN (Vinamilk) cũng đã có thông báo: Sau khi kiểm tra, tất cả nguyên vật liệu đầu vào và thành phẩm của Vinamilk không có melamine._B.D.T

Thêm 25 mẫu sữa không có melamine

Ngày 1-10, Cục ATVSTP tiếp tục công bố kết quả kiểm nghiệm đợt 3 tại Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3. Theo đó, có thêm 25 sản phẩm được xác nhận không nhiễm melamine, bao gồm:

1. Promix (nơi gửi mẫu: Precious Fame Sdn.Bhd); 2. Sữa Milex 1,

3. Sữa Milex 3 (Arla Foods Ingredients Amba); 4. Kem không sữa (Specialty Ingredient Management LLC); 5. Kem không sữa Vana - Blanca (Sim Canada Inc); 6. Kem không sữa (Phòng NV3-TTKT3); 7. Bánh nhãn hiệu Casino (Công ty TM-DV Quốc tế Big C Đồng Nai); 8. Sữa tươi tiệt trùng nguyên kem Meeadow Fesh Full cream UHT Milk (Công ty TP Tốt lành); 9. Bột Cocoa (Rich Product VN); 10. Kẹo dừa trái cây, 11. Kẹo dừa hạt điều, 12. Kẹo dừa ca cao, 13. Bánh phồng sầu riêng (DNTN Thiên Long); 14. Bánh socolate kem Marshmallow Choco P&N, 15. Bánh socolate kem Marshmallow Phaner Pie, 16. Bánh socolate kem, 17. Marshmallow Phaner Pie, 18. Bánh socolate café kem, 19. Marshmallow Coffe Pie, 20. Kẹo socola sữa, 21. Bánh mặn Osar, 22. Bánh quy P&N, 23. Bánh mặn mà dừa – Limo, 24. Bánh Cream Soht cake- Solo, 25. Full cream milk powder (Công ty Bánh kẹo Phạm Nguyên).

 

Trung Quốc: Thêm 31 sản phẩm sữa bột nhiễm melamine

Tập đoàn Unilever đang thu hồi một số sản phẩm bột trà sữa Lipton

Tổng cục Giám sát Chất lượng, Kiểm tra và Kiểm dịch nhà nước Trung Quốc hôm 1-10 cho biết các cuộc kiểm tra mới phát hiện melamine trong 31 sản phẩm sữa bột khác ở nước này. Theo hãng tin AFP, cơ quan này đã xét nghiệm 256 mẫu sản phẩm sữa bột của 20 công ty khác nhau được sản xuất trước ngày 14-9. Theo kết quả được đưa lên website cơ quan, 9 trong số 31 sản phẩm bị phát hiện có melamine là của Công ty Sữa Sanlu và chứa hàm lượng ở mức nguy hiểm. Cơ quan này cũng cho biết đã tiến hành kiểm tra 154 công ty, chiếm hơn 70% toàn bộ thị trường sữa bột trong nước. Các cuộc xét nghiệm trước đó phát hiện hàm lượng melamine nguy hiểm trong sữa bột và các sản phẩm sữa của 22 công ty sữa Trung Quốc. Cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ 27 người có liên quan đến vụ bê bối này.

Trong một diễn biến liên quan, tập đoàn thực phẩm khổng lồ Unilever hôm 30-9 cho biết đang thu hồi một số sản phẩm bột trà sữa nhãn hiệu Lipton ở Hồng Kông và Macau do có chứa melamine. Theo hãng tin Reuters, Công ty Unilever Hong Kong Ltd. đã quyết định thu hồi 4 lô sản phẩm Lipton Milk Tea bán tại 2 ngôi chợ sau khi các cuộc xét nghiệm nội bộ cho thấy chúng có chứa melamine.

P. Võ