Nữ sinh ngất xỉu hàng loạt, bệnh gì ?
Thời gian gần đây, liên tục xảy ra những vụ nữ sinh ngất xỉu tập thể ở các trường THPT. Trong chiến tranh, tình trạng này cũng xảy ra với nữ thanh niên xung phong. Dân gian gọi đây là bệnh “cà hước”, còn bác sĩ gọi là bệnh hysteria
Trong tháng qua, nhiều vụ nữ sinh ngất xỉu hàng loạt được xem là biểu hiện của bệnh hysteria, một hội chứng tâm lý dây chuyền. Từ ngày 7 đến 11-10 đã có hàng trăm nữ sinh khối lớp 10 ở trường THPT Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu bị ngất xỉu trong giờ học và giờ chào cờ.
Tất cả học sinh này đều có triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu. Nhưng chỉ sau một thời gian 5-10 phút nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, được các y bác sĩ động viên tinh thần, các em đã trở lại bình thường. Ngày 23-10, trong buổi chào cờ ở Trường THPT Ngã Sáu, huyện Châu Thành-Hậu Giang, hơn 30 nữ sinh khối lớp 10 và 11 đã đồng loạt ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu.
Bệnh của người nhân cách yếu
Theo bác sĩ Nguyễn Thy Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương - TPHCM, hysteria là một dạng bệnh tâm thần, thường xuất hiện ở những người nhân cách yếu. Cứ 1.000 người thì 3-5 người mắc bệnh này. Bệnh thường xảy ra ở nữ độc thân, đặc biệt từ 14-18 tuổi, do tâm lý phụ nữ ở giai đoạn này nhạy cảm, dễ bị stress, khó thích ứng với môi trường có nhiều áp lực hoặc căng thẳng. Vì vậy dân gian đã gọi bệnh này là “bệnh cà hước” hoặc là bệnh... “thiếu hơi đàn ông”. Theo bác sĩ Thy Hùng, đây là cách gọi thiếu thiện cảm do dân gian dựa vào những đặc tính của bệnh.
Ở người có nhân cách yếu, khi gặp khó khăn trong cuộc sống và không vượt qua được, họ dễ bị bệnh và tác động lây truyền từ người khác. Hysteria thường có tính tập thể do các bệnh nhân cùng sống trong một môi trường nên có chung những điều kiện căng thẳng về tâm sinh lý.
Trong thời gian ngắn, một người bị bệnh có thể “lôi cuốn” nhiều người trong cùng nhóm và xuất hiện một trạng thái bệnh lý giống nhau. Nếu những cá nhân có nhân cách vững, làm chủ được bản thân trước tác nhân tâm lý thì ít khi thấy họ bị bệnh này. Tuy nhiên, điều kiện môi trường cũng có thể gây ra cơn hysteria ở người có thần kinh mạnh nếu sự gian khổ, thiếu thốn kéo dài, căng thẳng thần kinh triền miên.
Điều trị chủ yếu bằng tâm lý
Bác sĩ Lê Thiện Anh Tuấn, Hội Y Dược học TPHCM, cho biết hysteria chỉ gây ngất xỉu, khi được nghỉ ngơi, giữ yên tĩnh sẽ trở lại bình thường, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sốt, không suy hô hấp, không nôn ói, không tiêu chảy, mạch, huyết áp trong giới hạn bình thường. Quan trọng hơn là hoàn toàn không gây hậu quả nghiêm trọng cho não, không gây di hại về tâm thần, không gây hạ canxi hay huyết áp.
Theo cách điều trị dân gian, bệnh nhân cần được tiếp xúc với nam giới để khỏi bệnh. Cách điều trị này xuất phát từ suy nghĩ đây là bệnh do thiếu hơi đàn ông. Các bác sĩ cho rằng đây là quan niệm sai lầm vì thật ra bệnh nhân chỉ cần nằm nghỉ thời gian ngắn sẽ khỏi. Việc tụ tập đông người đôi khi còn gây ngộp, thiếu ô xy làm cho cơn ngất kéo dài hơn.
Khi xảy ra trường hợp đầu tiên, cần cách ly bệnh nhân ngay, không cho mọi người tiếp cận với người bệnh đó để tránh dẫn đến tình trạng “bệnh tập thể”. Theo bác sĩ chuyên khoa tâm-thần kinh Lâm Xuân Điền, cách điều trị chủ yếu là liệu pháp tâm lý và tránh những sang chấn về tinh thần (quát nạt, đe dọa, những tác động gây nên stress...). Cần có sự chăm sóc, tham vấn của bác sĩ chuyên khoa tâm lý xã hội hoặc bác sĩ chuyên tâm thần.
Việc phòng bệnh phải mang tính chiến lược bằng các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường, cân đối giữa áp lực học tập, làm việc và nghỉ ngơi, loại trừ các yếu tố gây căng thẳng. Bên cạnh đó, cũng quan tâm đến việc tập cho con người rèn luyện nhân cách vững vàng trong các môi trường khác nhau.
Hysteria khác với động kinh hoặc “ý bệnh” Bác sĩ Nguyễn Thy Hùng lưu ý hysteria khác với bệnh động kinh. Vì bệnh nhân động kinh đột ngột ngã ở bất kỳ nơi nào kể cả chỗ bẩn, nguy hiểm như lửa, điện, nước... và bệnh nhân không hề biết gì, sau cơn động kinh lại quên hoàn toàn sự việc vừa diễn ra, có khi bệnh nhân còn sùi bọt mép, đái dầm. Trái lại, bệnh nhân hysteria khi ngã bao giờ cũng chọn chỗ sạch, không nguy hiểm, không đái dầm. Đặc biệt trí óc bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, nhớ chính xác toàn bộ sự việc vừa xảy ra sau cơn hysteria. Khi được nằm nghỉ tại chỗ trong 15-30 phút, những bệnh nhân này hoàn toàn ổn định và tự đi về, các thầy thuốc không cần điều trị đặc hiệu. Hysteria cũng khác với những trường hợp bệnh nhân không mắc bệnh gì nhưng luôn luôn nghĩ rằng mình có bệnh mà y học gọi là “ý bệnh”. |