Nuôi da nhân tạo từ tế bào gốc dây rốn

Các nhà khoa học Tây Ban Nha tại ĐH Granada đã sáng tạo kỹ thuật mang tính đột phá là sử dụng tế bào gốc trung mô từ dây rốn để nuôi da nhân tạo - một phương pháp có ý nghĩa quan trọng, thay đổi cách cấy ghép da cho người bị bỏng.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Stem Cells Translation Medicine, GS Antonio Campos và cộng sự cho biết da nhân tạo mới được kết hợp giữa tế bào gốc trung mô từ dây rốn với dạng vật liệu sinh học được chế tạo từ fibrin và aragose. Fibrin là một protein được tìm thấy trong cục máu đông và aragose là dạng polymer được chiết xuất từ rong biển.
img
Da nhân tạo phát triển từ tế bào gốc dây rốn Ảnh: Top News

Kỹ thuật nuôi da nói trên được phát triển từ một nghiên cứu trước đó là chuyển thành công tế bào gốc từ dây rốn thành tế bào mô. Các nhà khoa học giải thích: “Những phân tích hình ảnh từ kính hiển vi điện tử xác nhận sự hiện diện của tế bào mô được hình thành từ những liên kết tế bào. Kết quả nói trên nêu khả năng tế bào gốc trung mô từ dây rốn có thể phân biệt thành tế bào niêm mạc miệng và tế bào mô da trong cơ thể và có thể là nguồn tế bào mới thích hợp cho sự phát triển mô da và niêm mạc miệng”.

Bệnh nhân bị bỏng nặng hiện nay thường được ghép da nhân tạo từ da lành của chính họ và quá trình này phải mất nhiều tuần lễ. Dạng da mới từ tế bào gốc dây rốn có thể được lưu trữ như ngân hàng mô, có thể được sử dụng ngay khi da bị thương tổn.