Phát hiện một enzyme giúp tế bào ung thư tồn tại

Các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết họ đã phát hiện một enzyme quan trọng có thể giúp các tế bào ung thư "phớt lờ" các mệnh lệnh của cơ thể để tự phá hủy.

Nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Tổng hợp Pennsylvannia cho biết  enzyme này, Pim.2, xuất hiện với số lượng lớn trong một loạt các bệnh ung thư như bệnh bạch cầu, ung thư tiền liệt tuyến và bệnh đau tủy. Và một loại thuốc can thiệp vào enzyme này có khả năng giúp khống chế những dạng ung thư như vậy.

 

Bước tiếp theo của nhóm nghiên cứu là cố gắng điều khiển hoạt động của Pim.2, nhờ đó có thể tác động đến sự tồn tại của tế bào ung thư. Tiến sĩ Craig Thompson, người lãnh đạo công trình nghiên cứu, cho biết: “Cuối cùng, chúng ta có thể hy vọng phát hiện này sẽ dẫn đến những biện pháp điều trị mới nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư trước khi chúng biến thành các khối u nguy hiểm có khả năng lây lan ra khắp cơ thể”.

 

Các phương pháp điều trị bệnh ung thư hiện nay thường là sử dụng các loại thuốc hoặc tia xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư phát triển nhanh. Những liệu pháp này tấn công các tế bào khối u nhưng cùng làm ảnh hưởng đến cả các tế bào khỏe mạnh khác, gây ra các tác dụng phụ như rụng tóc và buồn nôn. Còn các loại thuốc mới hơn và nhằm đúng mục tiêu tấn công vào các enzyme quan trọng được các tế bào ung thư sử dụng để tồn tại và phát triển.

 

Pim.2 được phân lập lần đầu tiên vào năm 1984 nhưng vai trò chính xác của nó trong ung thư chưa được hiểu rõ. Thompson đã đặt các tế bào ung thư vào đĩa thí nghiệm cùng với Pim.2 và nhận thấy 60% các tế bào này đã "qua mặt" được những cố gắng nhằm tiêu diệt chúng.