Rùng rợn “khám Đông y” chữa hiếm muộn!
Phòng khám chưa đầy 2 m2, dơ bẩn và phương tiện khám chỉ là găng tay! Tháng 7-2005, Trung tâm Y tế Q.8 - TPHCM nhận được đơn khiếu nại của một người nhà bệnh nhân phản ánh cơ sở chuyên trị muộn con bằng Đông y gia truyền, số 345D Bến Ba Đình, bán thuốc không nhãn hiệu, không chuyên môn và giấy phép hành nghề.
Đầu tháng 12, Báo Người Lao Động cũng nhận được thư tố cáo của bạn đọc với nội dung tương tự.Xơ cứng cổ tử cung, uống thuốc để tống hết khí huyết ứ (?!)
Để tìm hiểu thực hư, trong vai người bệnh, chiều 14-12, chúng tôi đã có mặt tại cơ sở này, nơi được giới thiệu chuyên trị bệnh phụ khoa, huyết trắng, hiếm muộn.
Đó là một căn nhà cấp 4, bên ngoài không treo bảng khám bệnh và chỉ mở cửa he hé. Vừa vào trong, một người đàn bà trên 40 tuổi từ nhà dưới bước lên nhìn chúng tôi với ánh mắt nghi ngờ. Khi chúng tôi hỏi “có phải nơi này trị bệnh hiếm muộn không chị?”, bà ta tỏ ra cảnh giác: “Ai chỉ em đến đây vậy?”. Đến lúc nghe chúng tôi nói ở Tiền Giang mới lên, được người quen giới thiệu bà mới nhoẻn miệng cười: “Ừ, đúng rồi, mấy em ngồi đi”. Căn phòng khách khoảng 8 m2 là nơi thờ cúng, chỗ để xe, tiếp khách và được ngăn ra bằng một bức vách tạm bợ dùng làm nơi khám bệnh. Sau khi nghe chúng tôi nói lập gia đình 2 năm mà vẫn chưa có con, người đàn bà vào đề luôn: “Em tìm đúng chỗ rồi, ở đây chị chuyên trị bệnh đó mà”. Đưa cho chúng tôi tấm danh thiếp ghi “Bà Hai Mụ, chuyên trị bệnh phụ khoa, muộn con”, bà giới thiệu mình tên Nga và khoe: “Gia đình chị làm nghề này đã 3 đời rồi, chị là đời thứ 3, nhiều người uống thuốc của chị có kết quả lắm”.
Rồi bà Nga lần lượt gọi chúng tôi vào buồng khám, bảo cởi đồ ra, nằm lên chiếc giường phủ bằng một tấm drap trắng đã ngả vàng. Lúc này, tim tôi thót lại vì cứ nghĩ rằng khám Đông y là chỉ bắt mạch. Thắc mắc thì bà trấn an “Khám vậy mới biết chính xác bệnh”. Đeo một găng tay y tế vào tay phải, bà bắt đầu khám trong. Chưa đầy 1 phút, bà “phán” ngay cho tôi, một người 27 tuổi và mới lập gia đình 1 năm nay, bị xơ cứng cổ tử cung (?) và chỉ cần mỗi ngày dùng 3 gói thuốc, 3 - 4 tháng sau là hoàn toàn mỹ mãn! Không kê toa, bà Nga mở tủ lấy ra những gói thuốc màu đen như hạt tiêu bỏ sẵn trong túi ni lông. Chúng tôi ngỏ ý mua trước vài ngày uống xem có tác dụng phụ hay không thì bà Nga không chịu: “Ở đây bán thuốc một lần ít nhất là nửa tháng chứ không bán lẻ theo ngày. Khi nào uống hết đến mua tiếp, bận thì gởi người khác mua cũng được”. Đưa 45 gói thuốc màu đen với giá 100.000 đồng cho chúng tôi, bà không quên kèm theo câu: “Uống để tống hết khí huyết ứ trong người ra là có kết quả ngay”.
Bằng “Hán Nôm” sửa thành bằng... “hàm thụ”!
Được Báo Người Lao Động phản ánh, 15 giờ ngày 23-12, đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện Thanh tra Sở Y tế, Trung tâm Y tế quận, Quản lý Thị trường quận 8 và công an địa phương đã bắt quả tang bà Nga đang chữa vô sinh cho một bệnh nhân nữ. Khi được đề nghị đưa ra bằng cấp chữa bệnh, bà lấy từ trên tường một tấm bằng chứng nhận của Hội Y học cổ truyền TPHCM cấp vào năm 1997 nhưng được sửa thành năm 1999 (?). Đáng lưu ý là tên của người trong bằng là Trần Thị Kim Yến chứ không phải Nga và tên lớp theo học là “lớp Hán Nôm y học cổ truyền” được gạch xóa thành “lớp hàm thụ y học cổ truyền”, còn tấm hình của người được cấp bằng thì “mờ căm”.
Khi được hỏi chỗ khám bệnh ở đâu, bà Nga dẫn đoàn vào căn buồng rộng chưa đầy 2 m2, ngăn bằng những tấm vách tạm bợ bám đầy bụi. Trên bàn khám để sẵn một hộp găng y tế để lòi những chiếc găng ra ngoài, một hộp khăn giấy, còn ở góc buồng là một cuộn giấy vệ sinh treo xộc xệch và một chiếc khăn cáu bẩn được dùng để... chùi tay! Về thuốc, theo bà Nga, thì không được bào chế (?) tại nhà mà tại một điểm ở quận 5. Chữa bệnh theo Đông y như bà Nga đúng là quá dễ. Bệnh tật thì nhiều loại, nhưng bà chỉ sử dụng quanh đi quẩn lại 3 thứ thuốc màu đỏ, đen và trắng cất trong hộc tủ. Tất cả đều được đóng gói sẵn, không nhãn hiệu, không hạn sử dụng. Khi được Thanh tra Sở Y tế đề nghị cho xem sổ khám bệnh, bà ú ớ. Thay vào đó là một quyển tập học trò mà theo bà có ghi chép tên tuổi những người đã từng được chữa vô sinh thành công (?). Thậm chí bà còn đưa ra danh thiếp của bác sĩ H.H, làm việc ở Bệnh viện Nguyễn Trãi, từng đến bà chữa vô sinh và thành công. Nhưng khi chúng tôi liên hệ với bác sĩ này thì bà cho biết mình đã lớn tuổi, về hưu vài năm nay, đã có 3 con trưởng thành và không hề nhờ bà Nga chữa vô sinh!
Đoàn kiểm tra đã đình chỉ mọi hoạt động khám, chữa bệnh của bà Nga (Trần Thị Kim Yến ?), đồng thời tịch thu toàn bộ số thuốc viên không rõ xuất xứ, chuyển về cho Thanh tra Sở Y tế trong tuần này.
Dùng một loại thuốc 3 - 4 tháng là có hại Lương y Trần Khiết, giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng Tiểu ban Thuốc cổ truyền phía Nam, cho biết nguyên tắc xác định bệnh của Đông y là dựa trên hội chứng và chỉ đưa ra chẩn đoán sau khi xem mạch. Điều trị vô sinh là tìm ra bệnh lý dẫn đến vô sinh rồi điều trị bệnh lý đó, bệnh khỏi thì mới sinh con. Nhưng việc chẩn đoán bệnh cần tiến hành ở cả vợ lẫn chồng chứ không thể khám riêng một người. Nguyên nhân phát bệnh, tính hàn, tính nhiệt và cơ địa của mỗi người cũng khác nhau, nên việc dùng một loại thuốc liên tục 3 - 4 tháng là sai, có thể gây ra băng huyết, sẩy thai, thậm chí dẫn đến tử vong. Ông Trần Khiết cho biết đã từng chứng kiến một lương y bốc thuốc trị vô sinh nhưng trong toa có những thành phần phá thai như hắc sửu, báng hạ, rễ tranh! |