Sáng test nhanh âm, chiều test PCR dương, vì sao?

PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Bộ môn Nhi Trường ĐH Y Dược TP HCM kiêm Trưởng Đơn vị Điều trị Covid-19 - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), trả lời thắc mắc của bạn đọc Báo Người Lao Động.

. Bạn đọc Nguyễn Trần Thảo Thanh hỏi: Tôi test nhanh Covid-19 buổi sáng cho kết quả âm tính. Buổi chiều đi test PCR, kết quả lại dương tính. Có thể giải đáp lý do vì sao không?

- Buổi sáng test nhanh âm tính, buổi chiều xét nghiệm PCR dương tính không có gì bất thường. Bởi test nhanh vẫn có xác suất âm tính giả, còn kết quả PCR là chắc chắn bạn dương tính. Ngoài ra, còn có trường hợp khác là do tải lượng virus thấp nên có thể khi test nhanh cho kết quả âm tính.

Sáng test nhanh âm, chiều test PCR dương, vì sao? - Ảnh 1.

Sáng test nhanh âm, chiều test PCR dương, vì sao? (ảnh minh họa). Ảnh: HẢI YẾN

. Bạn đọc buithithanh0796624860@gmail.com hỏi: Tôi bị nhược cơ nặng, suy hô hấp phải nhập viện và nhờ sự hỗ trợ của máy thở cách đây một tháng. Hiện tại vẫn xuất hiện chứng khó nuốt và đôi khi hay mệt vào buổi chiều, vậy có nên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 không?

- Bạn cần phải được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Ngoài ra, bạn nên đến thăm khám ở bác sĩ chuyên khoa để đánh giá, điều chỉnh liều thuốc bệnh nhược cơ.

. Bạn đọc Trần Văn Nhân hỏi: Con gái tôi tiêm mũi 1 AstraZeneca ngày 29-9, sắp tiêm mũi 2 thì phát hiện có thai hơn 7 tuần. Vậy cháu có thể tiếp tục tiêm mũi 2 không, nếu tiêm thì vẫn là AstraZeneca hay vắc-xin khác? Nếu không cho phép tiêm thì bao giờ mới được tiêm mũi 2 và nên tiêm loại vắc-xin gì?

- Trường hợp con của bạn có thể tiêm mũi 2 được khi thai nhi từ 13 tuần tuổi. Bởi hiện Bộ Y tế đã cho phép tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi 2 cho phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên. Loại vắc-xin được hướng dẫn tiêm là AstraZeneca, Moderna hay Pfizer.