Sẽ định lượng melamine cho phép trong tuần sau

Liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp và sức khỏe cho người dân, trước "cơn bão melamine", trưa 4/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết, Bộ sẽ tham khảo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới để đưa ra mức melamine an toàn trong thực phẩm.

Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, do một số nước tại Châu Âu, Mỹ và kể cả WHO cũng đã có những quy định cụ thể về chuẩn melamine an toàn trong thực phẩm nên việc ban hành ngưỡng melamine tại Việt Nam có thể sẽ được ban hành ngay trong tuần sau.

Ông Quang, cho biết, Bộ Y tế đã xác định 23 trong tổng số hơn 500 mẫu xét nghiệm có nhiễm melamine. Tuy nhiên, việc tiêu hủy vẫn còn cân nhắc, nhất là những sản phẩm có nhiễm melamine ở hàm lượng thấp. Theo ông Quang, việc làm này vừa gây thiệt hại cho doanh nghiệp và ô nhiễm môi trường. Tính đến ngày 4/10, Bộ mới ra quyết định tiêu hủy 3/23 sản phẩm nhiễm melamine.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, mục tiêu chính hiện nay ngoài ngăn chặn sữa nhiễm melamine tới tay người tiêu dùng còn tìm giải pháp giúp doanh nghiệp hạn chế tổn thất, nhất là những doanh nghiệp bị “vạ lây”.

Cũng trong buổi làm việc với Thứ trưởng Cao Minh Quang, trưa 4/10, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Châu đã nêu một số bất cập liên quan đến sự cố melamine, trong đó có thực trạng kết quả xét nghiệm melamine của cơ quan chức năng không giống kết quả mà doanh nghiệp tự phát hiện.

Công ty cổ phần hóa chất Á Châu có kết quả mẫu thử cùng lô hàng ở Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm là âm tính, trong khi kết quả của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM bị nhiễm melamine. Tương tự, Công ty Hanoi Milk nhận được kết quả xét nghiệm của Viện Dinh dưỡng trái ngược với Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học công nghệ TP HCM nên đã quyết định nhờ một số trung tâm kiểm định khác xét nghiệm lại.

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho rằng, kết quả xét nghiệm giữa các đơn vị không thống nhất là đương nhiên vì có thể mẫu sữa gửi xét nghiệm của doanh nghiệp khác với của cơ quan y tế xét nghiệm. Tuy nhiên đơn vị xét nghiệm phải chịu trách nhiệm với kết quả đưa ra, phải đảm bảo đúng quy trình, lưu mẫu rõ ràng.

Ông Quang đề nghị trong thời điểm hiện nay, đơn vị xét nghiệm và cả doanh nghiệp phải báo cáo với cơ quan quản lý mẫu sản phẩm nhiễm melamine. Còn cơ quan quản lý phải có trách nhiệm hậu kiểm để tránh tình trạng doanh nghiệm “ém” sản phẩm bị nhiễm chất gây sỏi thận.

Sáng 4/10, Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm Nguyễn Công Khẩn, cho hay, nếu có thắc mắc, khiếu nại về kết quả xét nghiệm, trước tiên, doanh nghiệp phải chứng minh được các mẫu đã gửi đi phải cùng một lô với mẫu của cơ quan y tế xét nghiệm. Nếu thực sự có sự trái ngược giữa hai kết quả thì đơn vị kiểm nghiệm thứ ba sẽ phải vào cuộc.

Thứ ba tuần tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức họp báo tại Hà Nội, công bố ý kiến chính thức về vấn đề melamine trong sữa và các sản phẩm liên quan