Thiếu máu không còn là nỗi sợ

Cách đây không lâu, Báo Người Lao Động có đề cập việc nhiều bệnh nhân suy thận mãn do rơi vào tình trạng thiếu máu nên bệnh nặng hơn. Qua thực tế điều trị, chúng tôi nhận thấy thiếu máu là một trong những biến chứng tất yếu và nặng nề của suy thận mãn và có thể dẫn đến các biến chứng về tim mạch, đột quỵ, thậm chí tử vong cho người bệnh.

Tuy nhiên, lâu nay việc điều trị thiếu máu đối với bệnh nhân suy thận mãn là không dễ dàng bởi chi phí cao và thời gian điều trị lâu dài khiến người bệnh lo ngại.

Một nghiên cứu của Khoa Thận tiết niệu Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị y khoa quốc tế của Trường Đại học Kobe (Nhật Bản) thực hiện trên 8.505 người trưởng thành tại khu vực Hoài Đức (Hà Tây - Hà Nội) cho thấy tỉ lệ suy thận mãn (giai đoạn 3 đến 5) là 3,1%. Nếu ước tính theo dân số hiện nay thì nước ta có khoảng 7 triệu người lớn đang bị suy thận mãn. Trên thực tế, con số này có thể cao hơn và ngày càng gia tăng.

Thận sản xuất erythropoietin, chất điều hòa tủy xương sản xuất tế bào hồng cầu. Do đó, khi suy thận, người bệnh đối mặt với biến chứng thiếu máu do nhiều nguyên nhân gây ra, như: thận sản xuất thiếu erythropoietin (chất cần thiết cho quá trình tạo hồng cầu), mất máu trong quá trình lọc máu thận nhân tạo, dinh dưỡng thiếu chất… Khi thiếu máu, bệnh nhân thường mệt mỏi, chóng mặt, da xanh xao, niêm mạc có màu hồng nhợt nhạt, tim đập nhanh, sức chịu đựng kém và khả năng tập trung suy giảm…

Nếu giải quyết được tình trạng thiếu máu thì sẽ giúp làm giảm tiến triển của suy thận mãn. Từ đó, giảm thiểu gánh nặng do suy thận mãn gây ra đồng thời nâng cao chất lượng sống cho người bệnh, đặc biệt là trong giai đoạn suy thận mãn bảo tồn (giai đoạn sớm). Về điều trị, đã có một số phương pháp điều trị, như: dùng thuốc uống hoặc tiêm tĩnh mạch có chứa sắt khi bệnh nhân được xác định thiếu chất sắt; truyền máu; dùng các thuốc tạo máu để nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Hầu hết thuốc tạo máu trước đây đều có tác dụng ngắn nên bệnh nhân phải tiêm hằng tuần, khá tốn kém thời gian và chi phí điều trị nên nhiều bệnh nhân không có điều kiện tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Gần đây, chúng ta đã sử dụng Methoxy polyethylene glycol-epoetin beta (Mircera - được xem là loại thuốc để chỉ định điều trị thiếu máu cho bệnh nhân suy thận mãn). Do Mircera có thời gian bán thải dài hơn và với cơ chế tác động chuyên biệt hơn nên bệnh nhân chỉ cần tiêm 1 lần/tháng. Tỉ lệ bệnh nhân tuân thủ đúng phác đồ điều trị vì thế đã cao hơn nhờ giảm thiểu được chi phí đi lại, bệnh viện và nhân viên y tế cũng tiết kiệm được 77%-88% thời gian so với trước.

Tuy việc điều trị đã có những điều kiện thuận lợi hơn nhưng điều quan trọng là bản thân người bệnh phải  ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là dưỡng chất tạo máu. Đồng thời phải điều trị tình trạng nhiễm trùng, viêm nhiễm, mất máu (nếu có)… thì việc điều trị mới thực sự hiệu quả.