Thở ôxy tại nhà: Coi chừng nguy hiểm
Các bác sĩ khuyến cáo: Những trường hợp không bị bệnh mà lạm dụng thở ôxy sẽ gặp nhiều biến chứng
Cứ hai tuần một lần, anh Nguyễn Thanh Tuấn (ngụ đường Bến Chương Dương, quận 1 - TPHCM) lại điện thoại cho một điểm bán ôxy ở quận 8 đến nhà thay cho một bình ôxy mới. Anh cho biết gia đình anh đã sử dụng dịch vụ thở ôxy tại nhà từ hơn 1 năm nay vì khu vực gia đình anh ở là khu vực bị ô nhiễm nên anh phải mua thêm ôxy để cải thiện môi trường sống.Thử dùng rồi thành... nghiện
Anh Tuấn thừa nhận: “Mới đầu thấy dịch vụ hay hay nên dùng thử nhưng nay quen rồi, khó bỏ lắm”. Anh Hoàng Ngọc Quyết (ngụ tại quận 11) sử dụng dịch vụ thở ôxy tại nhà từ tháng 2-2006 với lý do “Trong khu vực có rất nhiều cơ sở nhuộm vải gây ô nhiễm môi trường. Khiếu nại nhiều lần nhưng chính quyền không xử lý được nên tôi phải tự cứu bằng cách mua ôxy về nhà để... thở”. Mỗi tối, trước khi đi ngủ, anh mở van bình ôxy xả vào phòng rồi “lùa” cả ông bà, vợ chồng, con cái vào thở ôxy tinh khiết trong nửa tiếng. “Sử dụng riết rồi thành nghiện. Cách 2 ,3 ngày mà không thở ôxy là thấy người khó chịu”, anh tâm sự.
Cá biệt hơn là trường hợp của bác Nguyễn Văn Huy (ngụ tại quận Phú Nhuận), cứ mỗi buổi sáng vợ của bác phải đẩy sẵn bình ôxy ra phòng khách để bác vừa đọc báo, vừa... thở ôxy.
Thở ôxy tại nhà được nhiều người ở Hà Nội xem là “mốt” từ nhiều tháng nay. Và nhu cầu này cũng “bùng nổ” tại TPHCM. Trước đây, người dân TPHCM đã làm quen với dịch vụ thở ôxy tại các điểm tập trung với giá từ 8.000 – 20.000 đồng/lần. Còn nay, tại TPHCM đã có nhiều điểm bán ôxy tận nhà dưới dạng túi hoặc bình chứa ôxy. Dạng túi chứa khoảng 50 lít ôxy (nặng 800 g, thở được trong khoảng 20 phút) để sử dụng lưu động. Dạng bình xách tay chứa khoảng 400 lít ôxy, bình cố định chứa khoảng 800 lít ôxy... Giá từ 50.000 đồng – 200.000 đồng/bình, tùy theo thời gian sử dụng.
Đừng xem ôxy như thần dược
Hầu hết những người đang sử dụng dịch vụ thở ôxy tại nhà đều có những nhận xét chủ quan về tác dụng của ôxy. Chị Đào Loan Châu (ngụ tại quận 1) cho rằng: “Từ khi thở ôxy, bình tôi thấy da thịt có phần hồng hào hơn, tinh thần phấn chấn, không còn cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu như trước đây”. Còn bác Nguyễn Văn Huy coi thở ôxy như là uống thần dược vì “tôi khỏe ra đã đành, ngay cả đứa cháu gái 4 tuổi thỉnh thoảng được thở ôxy... “ké” cũng ngưng hẳn khóc đêm”...
Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cho rằng, cần phải xem ôxy như là một loại thuốc, không phải ai cũng nên sử dụng. Một chuyên gia trong lĩnh vực này phân tích: Trong không khí tự nhiên mà chúng ta đang sống, khí ôxy chỉ chiếm 22%, còn lại là khí nitơ (N2) chiếm 78%. Thường trong điều kiện bình thường, tỉ lệ khí ôxy và nitơ rất ít khi bị thay đổi nên hiếm khi thiếu khí ôxy trong sinh hoạt hằng ngày. Còn khi chúng ta cảm nhận khó thở do khí CO2 bị ô nhiễm chứ không phải bị thiếu ôxy. Vì vậy, thở ôxy mà nhất là thở ôxy tại nhà nhìn chung là không cần thiết. Ngoài ra cũng cần phải lưu ý, ôxy là chất dễ gây cháy nổ nên sử dụng tại nhà nếu không cẩn thận là rất nguy hiểm.
Không thở ôxy một cách tùy tiện Theo ý kiến của các nhà chuyên môn: Trong y học, ôxy được coi là một loại thuốc. Vì vậy, thở ôxy cũng có chỉ định, chống chỉ định và có thể gặp một số tai biến khi sử dụng. Trong quá trình điều trị, bác sĩ chỉ định thở ôxy cho những bệnh nhân thật sự cần thiết phải thở. Khi bệnh nhân thở ôxy, cũng cần phải có bình làm ẩm vì ôxy là một chất khô, lạnh nên dễ làm khô tế bào hô hấp. Mặt khác, con người khi thở không chỉ cần riêng khí ôxy, mà còn cần cả khí CO2 và khí N2. Vì vậy, nếu thở ôxy trong một thời gian dài liên tục sẽ dẫn đến tình trạng bị thiếu CO2 và N2. Thiếu khí Co2 thì ít nguy hiểm nhưng thiếu khí N2 lâu ngày sẽ dẫn đến hiện tượng xẹp phổi, suy hô hấp. Ngoài ra, thở ôxy với nồng độ cao còn gây ngộ độc ôxy rất nguy hiểm. Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê, Phó Giám đốc Bệnh viên Nhi Đồng 2, còn khuyến cáo: Với trẻ em mà thở ôxy nhiều quá sẽ bị xơ hóa võng mạc gây mù mắt và xơ phổi. Vì vậy, tránh lạm dụng thở ôxy một cách tùy tiện, nhất là những trường hợp người không bị bệnh. Đ. Ngọc |