Thực chất của nước tăng lực
An toàn thực phẩm.- Ngày 18-7, Liên minh châu Âu (EU) đề xuất buộc các hãng sản xuất nước uống tăng lực chứa hàm lượng caffeine cao dán các cảnh báo về sức khỏe trên bao bì sản phẩm của họ. Nếu như được chuẩn thuận, quy định này sẽ được áp dụng trên toàn lãnh thổ EU kể từ tháng 7-2004 (Báo Người Lao Động số ra ngày 23-7)
Chưa bao giờ nước uống tăng lực phát triển rầm rộ như hiện nay, các công ty đua nhau quảng cáo trên những phương tiện truyền thông đại chúng, tạo thành “cơn khát” nước tăng lực ghê gớm! Tiến sĩ Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết chỉ tính riêng thời điểm đầu năm 2001 đã có trên 20 nhãn hiệu nước tăng lực đăng ký chất lượng tại Trung tâm Y tế dự phòng. Khảo sát của một công ty nước giải khát lớn cho thấy người tiêu dùng sử dụng loại nước tăng lực ở độ tuổi từ 20-39 tại các vùng thành thị trong vòng một năm đã tăng từ 20% đến 38%, người sử dụng mỗi tuần một lần tăng từ 14% đến 29%.
Nước tăng lực không là thuốc bổ
Theo định nghĩa về nước tăng lực của WHO và FAO, nước tăng lực (energy drink) là các loại thức uống cung cấp năng lượng cho cơ thể chủ yếu dưới hình thức các chất đường (carbohydrate). Năng lượng được cung cấp tối thiểu phải đạt 190kJ/100ml (khoảng 45,4kcal/100ml) và có thể được bổ sung thêm một số các chất chức năng như taurine, glucuronolactone, caffeine, inositol, vitamin và các khoáng chất. Nước tăng lực không được sản xuất cho các khẩu phần dinh dưỡng đặc biệt.
Với định nghĩa trên, nước tăng lực thực chất chỉ là các loại nước giải khát nhưng có chú ý đến việc cung cấp năng lượng và các chất chức năng cho cơ thể. Việc sử dụng nước tăng lực không cần thiết phải có chỉ định của bác sĩ (BS). Chính điều này làm cho nước tăng lực trở thành môi trường đầu tư tốt cho các công ty nước giải khát. Không ít người tiêu dùng ngộ nhận về khả năng “tăng lực” của loại nước uống này và sử dụng chúng như là một loại “thuốc bổ” cho nhiều đối tượng khác nhau như trẻ em, người già, người bệnh... chứ không chỉ xem đây là một loại nước giải khát thông thường.
BS Đào Thị Yến Phi, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết: Không thể phủ nhận về mặt cảm quan đây là một loại thức uống ngon, đặc biệt khi được ướp lạnh và sử dụng ở nơi có khí hậu nóng như nước ta. Ngoài ra, đối với những người lao động nặng, hao phí sức lực nhiều trong một thời gian ngắn, loại nước này cung cấp năng lượng cao dưới hình thức là đường, dạng dưỡng chất có thể sử dụng nhanh chóng và dễ dàng cho các mô cơ thể đang kiệt sức, giúp phục hồi sức lực nhanh hơn. Các loại vitamin, chất chức năng được cung cấp kèm theo cũng có tác dụng hỗ trợ tích cực cho các phản ứng chuyển hóa trong cơ thể. Tuy nhiên, trong thực tế những người lao động nặng như khuân vác, đạp xích lô, gồng gánh... lại không phải là những người thường sử dụng nước tăng lực, đơn giản chỉ vì giá các loại thức uống này thường quá cao so với khả năng kinh tế của họ.
Có hại cho người béo phì, tiểu đường và trẻ suy dinh dưỡng
Cũng theo bác sĩ Yến Phi, chính lượng đường rất cao trong các loại nước uống tăng lực là vấn đề dinh dưỡng mà người tiêu dùng cần phải chú ý khi chọn mua và sử dụng nước tăng lực. Một lon nước uống tăng lực loại 250mg trung bình có chứa 25g đường, vượt quá nhu cầu khuyến nghị về lượng đường trong một ngày cho người bình thường (dưới 20g/ngày/người theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia). Đối với những người cần giảm đường trong chế độ ăn như bệnh nhân tiểu đường, người có rối loạn chuyển hóa đường, người bị béo phì... thì số lượng đường này hoàn toàn có thể gây bất lợi cho cơ thể. Đối với trẻ em hay người suy dinh dưỡng, biếng ăn... có thể có hiện tượng gia tăng đường huyết sau khi uống nước tăng lực, làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của các men tiêu hóa khiến tình trạng biếng ăn nặng thêm, làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng vốn có.
Một thành phần không được coi là chất dinh dưỡng nhưng cũng thường hiện diện trong công thức của nước uống tăng lực là caffeine. Tác dụng của caffeine là kích thích trí não, làm cho tinh thần tỉnh táo minh mẫn hơn. Nhưng một số đối tượng cần lưu ý không nên dùng caffeine như người đau dạ dày, rối loạn thần kinh thực vật, stress...
**
*
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - Trưởng Ban Kiểm tra Nhà nước về chất lượng thực phẩm nhập khẩu:
Quảng cáo là việc của họ, người tiêu dùng phải cân nhắc lựa chọn
Phóng viên: Thưa ông, qua kiểm tra Nhà nước về chất lượng thực phẩm nhập khẩu, ông có thấy xuất hiện những loại hàng hóa có chứa nhiều dược chất, hóa chất v.v... như thông tin mà Báo NLĐ chúng tôi vừa nêu?
- BS Nguyễn Xuân Mai: Thực ra gọi là thực phẩm chứa các hoạt chất có tính sinh học, có tính vitamin v.v... thì chính xác hơn. Trước đây thực phẩm nhập khẩu thường rất đơn giản về thành phần. Bây giờ sự xuất hiện của các mặt hàng loại này ngày càng nhiều khiến chúng tôi rất vất vả trong công tác phân tích, định tính, định lượng các chất.
- Nếu là sản phẩm của các nhà sản xuất uy tín trên thị trường thì nhìn chung những thành phần công bố là có. Vấn đề là có ở mức độ, liều lượng như thế nào? Nhiều trường hợp công bố là có chất này chất kia tới mức nghe cứ tưởng tuyệt vời lắm, thế mà khi phân tích định lượng ra thì chỉ có tí chút gọi là thế thôi. Còn sản phẩm của những nhà sản xuất nhỏ lẻ thì khỏi nói các bạn cũng hiểu rồi.
Quan điểm của ông đối với các loại thực phẩm này như thế nào dưới góc độ an toàn thực phẩm?
- Nếu thực sự có những hoạt chất đại loại như chúng ta đang bàn, trong hàng thực phẩm, như các nhà sản xuất nêu, thì theo tôi, bản chất của chúng không có hại. Bởi có hại thì dại gì họ nêu kê ra. Nếu kiểm nghiệm đến nơi đến chốn thì trong hàng thực phẩm lắm khi còn nhiều chất khác mà nhà sản xuất chả bao giờ nêu, nhưng tác hại thì ghê gớm. Vấn đề ở đây, theo tôi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là kiến thức của người tiêu dùng. Ai dám bảo vitamin là độc hại, nhưng nếu dùng quá mức độ cho phép thì biết ngay! Bữa ăn chúng ta còn thiếu nhiều vi chất nên nếu được bổ sung thêm vi chất từ nguồn này nguồn khác thì quý quá đi chứ, nhưng hễ cứ thái quá thì lại lợi bất cập hại. Người ta quảng cáo thế này thế kia là việc của họ. Còn mình đưa vào cơ thể mình thì phải cân nhắc để lựa chọn chứ. Còn lựa chọn cái gì thì đã có các nhà dinh dưỡng, các phương tiện thông tin đại chúng hướng dẫn rồi.
. Xin cảm ơn ông.
L.D.Cường thực hiện
Bà Trương Xuân Huệ- Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM:
Quản lý dược và an toàn thực phẩm chưa có tiếng nói chung
Trong vấn đề này, theo tôi, quản lý ngành y tế phải có sự phối hợp giữa Cục Quản lý Dược và Cục Quản lý Vệ sinh an toàn thực phẩm, phải có một tiếng nói chung để tránh tình trạng lách khe hở. Đã có nhiều trường hợp nhập nhằng giữa thuốc và thực phẩm, ví dụ sản phẩm V. rõ ràng là dược phẩm nhưng lại được bên thực phẩm cho nhập, hay như công ty T.S nhập trà, sữa canxi... dưới dạng thực phẩm nhưng khi đưa ra thị trường lại được sử dụng dưới dạng dược phẩm, có khám chữa bệnh, có tư vấn... T.Phúc
kiến nhà kinh doanh
Ý KIẾN NHÀ KINH DOANH
Bà Nguyễn Thị Tranh - Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX TM TPHCM (hệ thống siêu thị Co-opMart):
Trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan y tế!
Các sản phẩm có liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng, cụ thể là các sản phẩm có chứa các chất hóa học, dược phẩm... chúng tôi đều yêu cầu nhà sản xuất phải có giấy kiểm nghiệm của cơ quan y tế, giấy phép được lưu hành trên thị trường. Đối với hàng nhập khẩu chúng tôi kiểm tra rất kỹ đầu vào, nhất là các nhóm hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm. Chúng tôi cho rằng, các cơ quan y tế phải có trách nhiệm, bảo đảm các sản phẩm được phép lưu hành không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Hiện nay trên các quầy của siêu thị, chúng tôi kết hợp với nhà sản xuất đưa một số thông tin chính để người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, điều này còn tùy theo trình độ người tiêu dùng nên việc cân nhắc, lựa chọn sản phẩm nào cho phù hợp còn rất hạn chế.
Ông Nguyễn Hải - Giám đốc tiếp thị Công ty TNHH An Phong (hệ thống siêu thị Maximark):
Các nhà phân phối chỉ kiểm tra được tính hợp pháp của sản phẩm
Rất khó cho chúng tôi nếu phải kiểm tra về mặt chuyên môn trước khi bày bán. Theo quy trình nhập hàng, các loại thực phẩm có dược chất phải có giấy chứng nhận công bố chất lượng, giấy phép lưu hành của y tế. Theo tôi, cơ quan chức năng cần kiểm soát cả nội dung quảng cáo của các sản phẩm này vì quảng cáo không đúng hoặc thổi phồng có tác động rất lớn đến người tiêu dùng. Biện pháp trước mắt là khi nhập sản phẩm mới chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ để có những khuyến cáo cần thiết cho khách hàng. Riêng siêu thị Maximark đã có hệ thống vi tính kiểm tra thông tin sản phẩm dành cho khách hàng.
M. Châu ghi
Ý kiến người tiêu dùng
Ông Phạm Liêm Châu (373 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM):
Các cơ quan chức năng phải vào cuộc
Thực phẩm chứa dược chất đang là vấn đề đáng lo ngại vì có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cả cộng đồng kể cả trẻ em và người lớn tuổi. Hoan nghênh Báo Người Lao Động đã kịp thời thông tin vấn đề này. Trước đây, báo chí cũng đã thông tin nhiều loại thực phẩm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như: dầu hào, nước tương nhiễm độc chất có thể gây ung thư, thực phẩm biến đổi gien... nhưng các cơ quan chức năng vẫn không làm đến nơi đến chốn. Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng cùng hợp tác để làm rõ vấn đề này. Cách né tránh của các đơn vị kinh doanh các loại thực phẩm chứa dược chất này là do họ tìm được kẽ hở trong cách quản lý của ta hiện nay thường theo kiểu “mạnh ai người đó quản lý” mà thiếu phối hợp chặt chẽ.
Bà Lê Thị Kim Khánh (536/10B Lê Văn Sỹ, TPHCM):
Đừng coi người tiêu dùng chỉ là nơi để trục lợi
Cái khó đối với người tiêu dùng bây giờ là định hướng trong cách tiêu dùng, sử dụng thực phẩm có dược chất. Bản thân tôi cũng nhận thức được dù là thực phẩm nhưng đã chứa dược chất thì không phải là sản phẩm bình thường, mà phải gọi là thuốc, mà thuốc thì dành cho những người có bệnh. Nhưng thấy nhiều người lao vào sử dụng các loại này như cơn sốt mà mình không sử dụng thì lại có tâm trạng lo lắng: không khỏe, không giỏi, không thông minh bằng người ta.
Mai Vân ghi