Tôi không ngợp mà chỉ lo!

Trở thành giám đốc ở tuổi 37, nhưng cách đây 5 năm bác sĩ Tăng Chí Thượng đã trực tiếp nghiên cứu và triển khai chương trình y học chứng cứ - được coi là cuộc cách mạng trong y học thế giới - tại bệnh viện. Chương trình đầu tiên trong cả nước này đã nâng tầm vóc và uy tín Bệnh viện Nhi Đồng 1

Vợ anh là bác sĩ Cam Ngọc Phượng - Trưởng Khoa Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Khác với nhiều cuộc hẹn làm việc trước đây, lần này, bác sĩ Tăng Chí Thượng - người vừa được UBND TPHCM quyết định giữ chức Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - tỏ ra khá dè dặt. Tôi đọc được tâm trạng của anh: không muốn nói về mình khi chỉ vừa chân ướt chân ráo đến với nhiệm vụ mới. Nhưng tôi lại cảm thấy có điều gì đó thú vị đằng sau cái tuổi 37 của vị tân giám đốc đang ngồi đối diện.

Lớp trưởng “chuyên nghiệp”.- Phong thái dung dị mà tự tin, cởi mở nhưng sẵn sàng quyết đoán của bác sĩ Thượng gợi lại một câu nói của ai đó, đại ý: Một người lớn không phải vì tuổi cao mà chính là vì họ biết cách “sống” trong sự trải nghiệm. Ít ai ngờ được rằng, người thế chỗ cho vị tiền nhiệm cao tuổi, uyên bác Trần Tấn Trâm lại là anh. Ý nghĩa của sự thay thế này càng lớn khi mọi người biết rằng tên tuổi của Bệnh viện Nhi Đồng 1 (nơi có khoảng 1.000 cán bộ, nhân viên y tế) đã vượt ra khỏi biên giới đất nước. Tổ chức y tế nhiều nước, đặc biệt là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt quan hệ hợp tác nghiên cứu với bệnh viện về một số đề tài y học sát sườn với mô hình bệnh tật trẻ em Việt Nam. Một dáng vóc không phải bệnh viện nào cũng có.

Tuổi thơ của Tăng Chí Thượng hầu như chỉ quanh quẩn dưới mái nhà và mái trường ở thị xã Tân An, tỉnh Long An. Thuở nhỏ, Thượng nổi tiếng học giỏi, lại bộc lộ khiếu “lãnh đạo” sớm nên luôn được thầy cô, bạn học cử làm lớp trưởng suốt những năm học từ cấp 1 đến cấp 3. Năm 1984, Thượng thi đậu vào Trường ĐH Y Dược TPHCM. Sau một thoáng trầm ngâm, anh kể: “Đó là giai đoạn rất khó khăn. Cha mẹ tôi nghèo lại đông con. Thi vào đại học cũng không có nhiều sự lựa chọn như bây giờ mà chỉ hoặc đậu đại học, hoặc vào trường trung học chuyên nghiệp. Tôi quyết thi vào đại học y để thử sức và được gia đình ủng hộ...”. Sau 6 năm miệt mài, anh nhận bằng tốt nghiệp chuyên khoa nhi và tiếp tục trải qua 4 năm nội trú tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Năm 1994, anh tốt nghiệp nội trú nhi, thay vì nhận lời mời làm giảng viên Trường ĐH Y Dược, anh quyết định ở lại bệnh viện.

. Thông tin: Bác sĩ Tăng Chí Thượng, 37 tuổi, sinh tại Long An. Tốt nghiệp Đại học Y Dược TPHCM chuyên khoa nhi năm 1990. Tốt nghiệp nội trú nhi Bệnh viện Nhi Đồng 1 năm 1994 (thạc sĩ y khoa). Năm 1997: Trưởng Khoa Hồi sức sơ sinh. Năm 2000: Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 và tháng 8-2004 là Giám đốc bệnh viện.

Vui buồn với số phận trẻ thơ.- Nơi đầu tiên ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 mà anh chính thức về làm việc là khoa cấp cứu do bác sĩ Bạch Văn Cam phụ trách. “Tôi cũng chọn về đây để thử sức nhưng chính là học tập. Khoa cấp cứu rõ ràng là khu vực sóng gió nhất với nhiều loại bệnh tật. Đây là nơi đòi hỏi bác sĩ thể hiện cùng lúc nhiều phẩm chất như trầm tĩnh, phản ứng nhanh, quyết đoán, tình thương và trách nhiệm...” - bác sĩ Thượng nói. Cũng tại nơi này, anh nói thêm, việc giành lấy sự sống cho các cháu là nhiệm vụ số 1 và chính điều đó trở thành bài học lớn về y đức.

Năm 1997, khoa hồi sức sơ sinh được thành lập và bác sĩ Thượng nhận nhiệm vụ trưởng khoa, tiếp tục gắn bó, vui buồn với những số phận trẻ thơ bệnh hoạn và xấu số. “Sao anh lại chọn ngành nhi?”. “Tôi cũng chỉ muốn thử sức vì chuyên khoa nhi lúc bấy giờ rất khó vào. Nhưng cái chính là tình cảm tự nhiên của tôi đối với trẻ em. Chúng giống như cái bóng thân quen của chính tôi thời thơ ấu” - anh trả lời, mắt nhìn xa xăm.

Niềm tự hào y học chứng cứ.- Khi hỏi những ai đã ảnh hưởng sâu đậm nhất đến nghề nghiệp, y đức và phong cách của anh, bác sĩ Thượng nói rằng có nhiều người nhưng 2 người trực tiếp là bác sĩ Bạch Văn Cam (Trưởng Khối Cấp cứu - Hồi sức) và nguyên giám đốc Trần Tấn Trâm. Anh nói: “Nếu như ở bác sĩ Cam tôi học được nhiều điều về kỹ năng lâm sàng thì từ thầy Trâm, tôi tiếp nhận được một khối lượng kiến thức phong phú về quản lý y tế và tinh thần không ngừng học tập. Đặc biệt, cả 2 người đã thể hiện thật ấn tượng tính cách không chịu bó tay trước khó khăn”. Anh thừa nhận cũng đã học được từ các thầy của mình phong cách dân chủ, quý trọng người tài. Mà thật, nếu như cách đây 5 năm, bác sĩ Trần Tấn Trâm không mạnh dạn giao cho anh nghiên cứu về y học chứng cứ - một lĩnh vực rất thiết yếu nhưng còn mới mẻ ở Việt Nam - thì bây giờ Bệnh viện Nhi Đồng 1 chắc còn phải loay hoay ở phía sau.

Vậy y học chứng cứ là gì? Nó có thể được hiểu như một khoa học tập hợp những công trình nghiên cứu hiện có trên thế giới về một vấn đề y học nào đó và bằng kỹ thuật thống kê, được tổng hợp lại để đưa ra khuyến cáo về cách xử trí sau khi loại trừ một số công trình không đạt chất lượng. Đây là cuộc cách mạng trong y học. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, tất cả khoa phòng hiện nay đều có thể áp dụng y học chứng cứ để giải quyết những vấn đề trong chẩn đoán, điều trị khi cần thiết. Mới đây, một đoàn giáo sư - bác sĩ Nhật Bản đến thăm Bệnh viện Nhi Đồng 1 và họ thật sự kinh ngạc khi biết bệnh viện đã triển khai y học chứng cứ từ 5 năm nay. Không quá lời khi cho rằng, bên cạnh vị tiền nhiệm Trần Tấn Trâm, bác sĩ Tăng Chí Thượng đã ghi đậm dấu ấn của mình trong chương trình y học chứng cứ của bệnh viện.

Bác sĩ Thượng và các chỉ số về phẩm chất.- Với tư cách là người trực tiếp giới thiệu bác sĩ Thượng vào vị trí giám đốc mới, bác sĩ Trần Tấn Trâm tâm sự: Có ý kiến cho rằng tôi tiến cử bác sĩ Thượng là mạo hiểm, nhưng tôi tin điều mình làm. Sở Y tế cũng ủng hộ tôi. Trong thực tế, anh Thượng là một bác sĩ giỏi, có đầu óc khoa học, có tinh thần nhân văn và khả năng phục vụ. Tôi cũng biết bác sĩ Thượng có đủ các chỉ số cần thiết liên quan đến phẩm chất con người. Đó là chỉ số IQ (thông minh), chỉ số AQ (khả năng vượt khó) và EQ (tính nhạy bén và quan hệ ứng xử giữa người với người). Không chỉ có bác sĩ Thượng là trẻ, bệnh viện hiện có 2 bác sĩ phó giám đốc khác ở độ tuổi 38. Và ông nhấn mạnh: “Phải nói rằng lớp trẻ bây giờ rất giàu tiềm năng, vấn đề là cần biết khơi dậy và định hướng cho họ”.

“Còn bác sĩ Thượng, liệu anh có cảm thấy “ngợp” không khi bắt tay điều hành một guồng máy lớn?”. Bác sĩ Thượng từ tốn: “Tôi không ngợp mà chỉ lo. Nhưng bệnh viện đang là một bộ máy chuyển động tốt, môi trường làm việc thân thiện, quan hệ thầy trò, đồng nghiệp trong sáng. Đó là chỗ dựa tốt nhất mà tôi đang có”.

Anh tâm sự, nỗi lo và cũng là điều anh ấp ủ lâu nay là làm sao trong vòng 5 - 10 năm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ có được cơ sở vật chất xấp xỉ như một bệnh viện nhi ở Singapore - nơi anh từng sang học tập. Chỉ cần cơ sở vật chất thôi vì theo anh, bác sĩ của mình giờ đây đã có thể thảo luận các đề tài y học một cách tự tin với đồng nghiệp nước ngoài. Hy vọng một người trong hoàn cảnh nào cũng muốn “thử sức” như anh sẽ sớm đạt ý nguyện.

------------

6 mục tiêu y học chứng cứ đặt ra ở Bệnh viện Nhi Đồng 1

1. Nhận thức đúng tầm quan trọng của y học chứng cứ.

2. Tiếp cận được các nguồn y học chứng cứ để giải quyết các vấn đề lâm sàng tại chỗ.

3. Tiếp cận các thông tin y học chứng cứ mới nhất.

4. Hiểu biết về phương pháp nghiên cứu khoa học và đánh giá đúng mức các công trình nghiên cứu khoa học.

5. Biết ứng dụng các phác đồ điều trị dựa vào y học chứng cứ.

6. Phổ biến được các phác đồ cho người khác và cho tuyến trước.

(Nguồn: Bệnh viện Nhi Đồng 1)