Trẻ hóc dị vật: Chớ coi thường!

Cuối tuần qua, cháu Nguyễn Thanh Hà, 2 tuổi ở Hưng Yên, được đưa vào Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương cấp cứu trong tình trạng tím tái, suy hô hấp do nuốt phải một đồng tiền kim loại. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, theo bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng Khoa Tai - Mũi- Họng, trước đây thỉnh thoảng mới gặp một ca hóc dị vật, còn thời gian này gần như ngày nào cũng gặp

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dĩnh, Giám đốc Bệnh viện (BV) Tai - Mũi - Họng Trung ương, gần đây, tỉ lệ trẻ bị hóc dị vật là tiền kim loại ngày càng nhiều. Khoảng 2 tháng nay, đã có gần 10 ca phải cấp cứu do hóc tiền xu, trong đó có gần một nửa số ca phải phẫu thuật do tắc ruột.

Đủ loại thủ phạm gây hóc

Ngoài tiền kim loại, nhiều trẻ nhỏ còn hóc phải các dị vật như hạt đậu, hạt bắp, hạt dưa, hạt na, hạt hồng bì, mẩu xương, vỏ tôm, cua, đốt xương cá, mảnh đồ nhựa, kim, kẹp tóc, khuyên tai, cúc áo... Trường hợp cháu Trần Thị Lan Anh, 11 tháng tuổi, ở xã Hoàng Tân, huyện Chí Linh, Hải Dương, là một ví dụ. Theo lời kể của gia đình, khi cháu được 9 tháng tuổi, thường xuất hiện nhiều cơn khó thở dữ dội khoảng 15 - 45 phút, sau đó cháu ngủ thiếp đi nhưng vẫn nghe thở khò khè. Bệnh nhi được chẩn đoán bị viêm phổi và đã điều trị 4 đợt kháng sinh tại BV tỉnh những vẫn không đỡ. Sau đó được chuyển tới Khoa Nhi, BV Bạch Mai. Tại đây, bệnh nhi được nội soi phế quản và phát hiện dị vật là mảnh lạc cháu hít phải 3 tháng trước.

Gây hóc có thể là một thủ phạm không ai ngờ đến. Lúc 17 giờ ngày 28-6, cháu Hoa Thạch Anh, 9 tháng tuổi, ngụ ở quận Tân Bình - TPHCM, được đưa đến BV Nhi Đồng 1 TPHCM vì bị hóc... lò xo. Chị Thạch Thị Thanh Tuyền, mẹ cháu Anh, kể trước đó chị cho cháu chơi con búp bê có gắn lò xo. Khi cháu ho vài tiếng, chị chạy đến thì chiếc lò xo đã biến mất. Quan sát trên phim X-quang, các bác sĩ thấy một chiếc lò xo dài khoảng 2 cm nằm trong phổi bệnh nhi. Ngay tối hôm đó, cháu Anh đã được gắp dị vật ra. Hiện cháu được điều trị bệnh viêm phổi (do dị vật gây nhiễm trùng) tại Khoa Tai - Mũi - Họng.

Có thể tử vong đột ngột

Dị vật đường thở là tình trạng bệnh lý hay gặp ở trẻ nhỏ do trẻ hút phải dị vật là các vật cứng trẻ đang chơi, các hạt hoa quả trẻ đang ăn hoặc viên thuốc người lớn đang cho trẻ uống. Có bà mẹ khi cho trẻ nhỏ ăn thường làm trò để trẻ há miệng ra. Nhưng điều này rất nguy hiểm, vì trong lúc cười, thức ăn sẽ dễ dàng lọt vào đường thở, gây khó thở, thậm chí ngừng thở. Cách đây nửa tháng, một cháu bé ở Tiền Giang đã tử vong vì sặc hột mãng cầu. Do hột mãng cầu bít phế quản gốc, nên lúc chuyển đến BV Nhi Đồng 1 TPHCM thì bé đã suy hô hấp, bại não và tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, dị vật đường thở thường gặp ở lứa tuổi từ 1- 3, do trẻ đã tự di chuyển được, biết cầm nắm đồ vật, trí tò mò đang phát triển nhưng trí thông minh chưa đủ để tránh tai nạn hít phải dị vật. Thêm vào đó, đây là giai đoạn răng phát triển hoàn thiện nên trẻ rất thích nhai, cắn bất cứ vật gì. Khi trẻ bị hóc dị vật đường thở, sẽ xuất hiện các triệu chứng tím tái, khó thở, có thể tím tái và tử vong đột ngột nếu không được cấp cứu kịp thời. Với những trường hợp bị hóc xương cá, gia cầm, lợn..., xương nhọn có thể xuyên thủng động mạch lớn, gây áp xe trung thất. Đây là những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Để mắt khi trẻ ăn, uống hoặc chơi đùa

Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc khuyên các bậc cha mẹ khi cho trẻ ăn xương heo, gà, vịt... không nên chặt nhỏ, dập vì xương vụn sẽ dính vào thịt gây hóc cho trẻ. Không nên đùa hay làm các trò gây cười khi đang cho trẻ ăn. Ngoài ra, người lớn nên để đồ vật nhỏ ngoài tầm với của trẻ, tránh cho trẻ chơi những đồ chơi nhỏ, dễ cho vào miệng hay những đồng tiền xu. Nếu trẻ bị hóc dị vật là chất lỏng, nên đặt trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay hay trên đùi, vỗ mạnh vào lưng 2 - 3 cái. Trẻ từ 2 tuổi trở lên, để trẻ nằm ngửa ấn tay vào thượng vị, nhồi 2 - 3 cái để trẻ ho bắn ra và thở trở lại. Trường hợp trẻ vẫn chưa thở được, phải hà hơi, thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Nếu trẻ bị dị vật cứng, tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ, bởi biện pháp này có thể làm dị vật vào sâu hơn.

Trong khi đó, bác sĩ Đặng Hoàng Sơn đề nghị khi cho trẻ ăn trái cây có hột cần cắt ngang trái để lấy hết hột ra và lúc nấu cháo cá, ếch, lươn, cần phải bỏ sạch xương. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng phải để mắt tới trẻ trong lúc đang ăn hoặc chơi. Nếu thấy trẻ ho sặc sụa, tím tái, thở nấc thì nên đưa trẻ đến BV càng nhanh càng tốt vì có nhiều khả năng trẻ bị hóc dị vật. Nếu dị vật di động, đường thở sẽ bị bít lại và gây hư não chỉ trong vòng 6 phút. Trường hợp trẻ ho kéo dài mà điều trị nội khoa không khỏi, cũng nên đến BV để được kiểm tra xem trẻ có bị hóc dị vật hay không.