Trò chơi thổi bóng dễ bị ngộ độc
KIẾN THỨC TIÊU DÙNG.- Dung dịch thổi bóng là dung môi hữu cơ có nhiều chất độc hại có thể gây dị ứng da, buồn ngủ, quáng mắt, rối loạn hô hấp, thần kinh...
Gần đây, trước cổng các trường tiểu học tại TPHCM và các khu vực đông dân cư xuất hiện loại trò chơi thổi bóng được các em học sinh yêu thích. Theo các nhà chuyên môn, đây là một trò chơi không có lợi vì nguy cơ gây độc rất cao.
Sản phẩm không rõ nguồn gốc
Trên thực tế, trò chơi thổi bóng đã xuất hiện cách đây khoảng 6 năm nhưng sau đó đã biến mất. Từ Tết Nguyên đán đến nay lại rộ lên trò chơi này và hiện đang được các các em học sinh từ 4 - 10 tuổi xem là trò chơi “thời thượng”. Dung dịch để thổi bóng là một chất dẻo được đựng trong tuýp tương tự như tuýp kem đánh răng loại nhỏ. Khi chơi, trẻ em lấy một ít chất dẻo để vào đầu một ống hút nhỏ rồi thổi thành quả bóng to nhỏ theo ý muốn với đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng trong suốt rất đẹp. Do cấu tạo là chất dẻo nên bóng không cần buộc dây thun mà chỉ cần lấy tay dán là bóng sẽ tự giữ hơi. Giá bán chỉ từ 500 - 1.000 đồng/tuýp. Chủ một tiệm tạp hóa trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, khoe: “Có ngày tiệm bán được khoảng 200 tuýp”. Khi chúng tôi thắc mắc về nguồn hàng và nơi sản xuất, bà cho biết: "Có cả hàng Trung Quốc và Việt Nam. Tôi chỉ biết đi mua sỉ tại chợ Bình Tây, Kim Biên chứ không biết nơi sản xuất cụ thể”. Trên bao bì sản phẩm cũng chỉ có chữ Hoang Quan, Tung Tien... in thủ công chứ không có bất cứ thông tin nào liên quan đến nguồn gốc, nhà sản xuất cũng như số đăng ký chất lượng theo quy định nào khác.
Chơi từ nhà đến... trường
Trước cửa Trường Phù Đổng (quận Bình Thạnh, TPHCM) vào các buổi chiều tan học, học sinh đua nhau thổi xem ai tạo được bóng to hơn. Điều đáng báo động là chất dẻo để thổi bóng có mùi hôi nồng tựa như hóa chất nhưng vẫn được các em đưa lên miệng thổi. Nhiều em sau khi thổi còn lấy bóng đập vào mặt bạn. Do được cấu tạo bằng cao su nên chất này dính chặt vào mặt, gỡ ra rất khó khiến nhiều em hoảng hốt vì ngạt thở. Một phụ huynh than phiền: "Cứ mỗi lần đón cháu đi học về lại thấy vòm miệng cháu dính màu do thổi bóng cao su. Đã vậy có hôm đầu tóc, tay chân, quần áo dính đầy chất dẻo".
Tác động xấu đến hô hấp và thần kinh
Chúng tôi đã mang mẫu dung dịch thổi bóng đến Phân viện Bảo hộ lao động TPHCM để tìm hiểu về nguy cơ độc hại của trò chơi này. Bà Phan Thị Yến - cán bộ nghiên cứu, Phòng Vệ sinh lao động và Kiểm soát môi trường - khẳng định: Đây là loại nhựa hòa tan trong dung môi hữu cơ, rất nguy hiểm khi tiếp xúc với cơ thể. Nhựa tan trong dung môi ảnh hưởng nhẹ nhất cũng là gây dị ứng da. Dung môi hữu cơ có nhiều chất, có thể là aceton, toluen, metyl etyl keton... và đều có độc tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là thể trạng trẻ em. Chẳng hạn như chất aceton nếu hít phải nồng độ cao sẽ gây buồn ngủ, quáng mắt, gây rối loạn về hệ hô hấp và hệ thần kinh. Nếu chất này xâm nhập vào cơ thể sẽ gây nôn, tiêu ra máu, gây rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể. Chất toluen cũng có khả năng gây mê, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Ngoài ra, trò chơi này còn được tẩm nhiều màu sắc sặc sỡ, thường là màu công nghiệp rất độc. Độc tố của màu công nghiệp có hàng trăm loại, không kiểm soát được.
Ông Trần Văn Ký - Phó Khoa Vệ sinh, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM - cũng cảnh báo: Màu công nghiệp có chứa nhiều thành phần kim loại nặng. Da mẫn cảm sẽ gây ngứa, nổi mề đay khi tiếp xúc. Tiếp xúc thường xuyên sẽ tích tụ trong cơ thể gây ngộ độc cấp tính ảnh hưởng đến thần kinh, gây co giật, ói mửa... Về mãn tính còn gây ung thư gan, thận...