Sự cố hạt nhân xếp sau rủi ro y khoa

(NLĐO)-Mỗi năm có 43 triệu sự cố liên quan an toàn người bệnh. 50% sự cố rủi ro y khoa có thể ngăn ngừa được bằng cách áp dụng bộ tiêu chuẩn an toàn người bệnh mà thế giới đang áp dụng.

Thông tin trên được đưa ra lúc Bệnh viện (BV) FV công bố chứng nhận đạt chất lượng y tế quốc tế JCJ giai đoạn 2019-2022 lần 2 diễn ra vào ngày 6-3. Theo Tổ chức quản lý BV Châu Á, nghiên cứu cho thấy cứ 10 bệnh nhân thì 1 bị tử vong trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Mỗi năm có 43 triệu sự cố liên quan đến an toàn người bệnh. Trong 3 sự cố thường gặp nhất thì 2/3 thường xảy ra tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Đáng chú ý, 50% sự cố rủi ro y khoa có thể ngăn ngừa được bằng cách áp dụng bộ tiêu chuẩn an toàn người bệnh thế giới đang áp dụng.

Theo các chuyên gia, nhu cầu bệnh nhân khi đến BV là để được chữa trị đúng và hưởng các dịch vụ chăm sóc y khoa tốt nhất. Đó không chỉ là mong muốn của bệnh nhân mà còn là mong muốn của tất cả những người làm ngành y. Tuy nhiên, thực tế các rủi ro y khoa gây tử vong lại cao hơn cả ngành hàng không và các sự cố hạt nhân.

Sự cố hạt nhân xếp sau rủi ro y khoa - Ảnh 1.

Quang cảnh họp báo công bố đạt chứng nhận JCJ của bệnh viện

Với tiêu chuẩn khắt khe, nghiêm ngặt, JCI chứng nhận chất lượng y tế được áp dụng trên 100 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam đến nay chỉ có 5 bệnh viện đạt chứng nhận này. Vì là lĩnh vực liên quan đến sinh mạng con người nên trọng tâm của JCI là bảo vệ sự an toàn của bệnh nhân, giảm thiểu rủi ro y tế xuống mức thấp nhất. Để làm được như vậy, JCI đề ra 1.200 tiêu chí đo lường bao quát toàn bộ các hoạt động chăm sóc bệnh nhân của BV từ khâu tiếp nhận hồ sơ bệnh nhân, thăm khám, điều trị cho đến khi xuất viện.

Năm 2016, BV FV lần đầu tiên đạt chứng nhận chất lượng y tế quốc tế JCI. 3 năm sau, được đoàn quốc tế JCJ sang Việt Nam khảo sát, kiểm tra thẩm định rồi mới công nhận lại.