Ung thư dạ dày

Hiện em có người thân bị bệnh loét dạ dày (4 lỗ) và đang chuyển qua giai đoạn ung thư. Bệnh nhân 51 tuổi, nặng khoảng 60 kg và có sụt cân. Trước đây khoảng 7 năm có bệnh sử loét dạ dày nhưng đã chữa khỏi, không hiểu vì sao lại chuyển qua ung thư. Xin bác sĩ cho em biết cách điều trị khi bị ung thư dạ dày và giai đoạn tiền ung thư.

Minh Huy (TPHCM)


- Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Hùng Cường, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, trả lời: Loét dạ dày và ung thư dạ dày đều có chung một nguyên nhân là nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (H.P).


Các biểu hiện của loét dạ dày (đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, soi dạ dày thấy ổ loét,...) có thể được điều trị khỏi nhưng tình trạng nhiễm vi khuẩn H.P có thể vẫn còn. Người thân của bạn cách đây 7 năm có thể chỉ mới được điều trị khỏi các triệu chứng của loét dạ dày mà chưa điều trị tiệt căn vi khuẩn H.P. Nhiễm vi khuẩn H.P mãn tính có thể là nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày hiện nay của người thân bạn. Phương pháp điều trị chủ yếu ung thư dạ dày hiện nay là mổ cắt dạ dày, các bệnh nhân ở giai đoạn muộn cần phải dùng thêm hóa chất sau mổ. Cơ hội hết bệnh thay đổi tùy theo giai đoạn bệnh sớm hay muộn.


Để phát hiện sớm ung thư dạ dày cần phải nội soi dạ dày khi có các biểu hiện của viêm loét dạ dày như: đau thượng vị khi đói, ợ hơi, ợ chua, đầy bụng. Nếu có nhiễm vi khuẩn H.P cần phải điều trị tiệt căn H.P. Để phòng ngừa ung thư dạ dày cần tránh dùng nhiều các thức ăn lưu trữ bằng cách muối mặn như: dưa cà muối, kim chi... Nên ăn rau quả tươi.