Viêm loét dạ dày, ngón đòn đánh lén !
Bạn có biết bệnh nào là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghỉ bệnh cao nhất, đặc biệt ở những quốc gia tiên tiến? Bệnh nào là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu hao tài chính?
Bệnh nào gây trở ngại nhiều nhất cho quy trình điều trị nhiều bệnh khác vì bệnh nhân không thể dùng thuốc theo đúng phác đồ mong muốn của thầy thuốc? Câu trả lời xin dành cho độc giả, dù nhiều khi hỏi là đã trả lời
Từ mâu thuẫn này đến nghịch lý khác
Nếu muốn tìm một thí dụ cụ thể để minh họa cho 2 tiếng mâu thuẫn thì khó có dẫn chứng nào hay hơn bệnh viêm loét dạ dày tá tràng (VLDDTT), vì trong đó toàn bộ tiến trình bệnh lý là một chuỗi những nghịch lý:
. Trước hết, bệnh thành hình là do hậu quả mất quân bình trong một tiến trình nội bộ. Để làm tròn chức năng tiêu hóa, dạ dày phải tiết ra chất chua để phân giải thức ăn. Nếu vì lý do nào đó mà lượng dịch vị còn thừa quá nhiều, như ở người ăn uống thất thường, lo lắng suốt đêm... thì chính chất này quay lại tấn công ngay niêm mạc của dạ dày để tạo thành ổ viêm tấy rồi lở loét.
. Tình trạng viêm loét tuy vậy không dễ thành hình nếu niêm mạc dạ dày được bảo vệ đúng cách. Điều đáng tiếc là trong nhiều trường hợp, chính người bệnh đã tiếp tay cho căn bệnh qua cuộc sống căng thẳng, thói quen hút thuốc, uống rượu, lạm dụng dược phẩm...
. Thuốc trị bệnh bao tử có thừa trên thị trường, dù vậy đa số bệnh nhân vẫn không lành bệnh. Ngược lại, biến chứng của VLDDTT, từ xuất huyết tiêu hóa cho đến biến thể ác tính, vẫn trước sau là mối đe dọa không hề suy giảm!
Vết thương nào cũng cần thời gian
Nếu so sánh với nhiều căn bệnh khác thì cơ chế gây ra VLDDTT rõ ràng không đến độ quá phức tạp đến mức thầy thuốc phải bó tay. Ấy thế mà VLDDTT chẳng những dai dẳng mà còn dễ tái phát.
Có nhiều lý do, nhưng một trong các nguyên nhân hàng đầu chính là vì bệnh nhân hầu như không mấy ai được thông tin đúng mức về những yếu tố gây trì trệ tiến trình hồi phục của niêm mạc dạ dày, từ vai trò chữa lửa của bữa ăn “xế” cho đến khả năng tác hại của dịch chua trong dạ dày sau một đêm dài trăn trở.
Thêm vào đó, rất nhiều người bệnh vẫn tưởng cứ hết đau là lành bệnh. Trên thực tế, phải cần thêm nhiều tuần sau khi hết đau thì ổ loét trên niêm mạc dạ dày mới thực sự lành. Không hiểu điều này, nên nhiều người bệnh đã ngưng thuốc quá sớm.
Nhưng cũng phải thông cảm cho bệnh nhân vì nếu không được giải thích thì mấy ai sẵn sàng mua thêm thuốc khi đã hết đau? Mấy ai chịu khó trở lại với thầy thuốc khi đã khỏe khoắn? Nhưng thực tế chữa bệnh dạ dày mà không có thầy thuốc tư vấn thêm về những liệu pháp đi kèm thì chắc chắn vết loét trên dạ dày còn khó lành hơn vết thương lòng gây ra bởi cuộc tình dang dở!
Helicobacter pylori, thủ phạm trong bóng tối
Trước đây các nhà điều trị vẫn tưởng tình trạng bội nhiễm trên niêm mạc dạ dày tá tràng, nếu có là hiện tượng đi kèm và thứ cấp sau khi ổ viêm loét đã thành hình. Nhưng phát hiện gần đây về sự hiện diện và khả năng gây bệnh của vi khuẩn Helicobacter pylori trên niêm mạc dạ dày đã góp phần thay đổi sâu sắc quan điểm chẩn đoán và điều trị VLDDTT.
Hiện nay, không còn ai nghi ngờ về vai trò chủ động của loại vi khuẩn này trong tiến tình gây viêm loét. Hơn thế nữa, tuy không hẳn hoàn toàn, nhưng chính vì sự có mặt của Helicobacter mà VLDDTT dễ tái phát.
Thầy thuốc lâu năm kinh nghiệm trong nghề chữa bệnh đường tiêu hóa ắt hẳn phải thừa nhận là nhiều loại thuốc trị đau bao tử đã không còn hiệu nghiệm tối đa trên bệnh nhân có phản ứng dương tính với Helicobacter.
Đi xa hơn, nhiều nhà điều trị đã nghi ngờ về mối liên hệ giữa hoạt tính của vi khuẩn Helicobacter và khả năng biến thể ác tính của VLDDTT, khi vi khuẩn rõ ràng giữ vai trò quan trọng trong tiến trình phát sinh ung thư.
Mối nguy chưa dừng lại ở đó. Điều quan trọng hơn, nhiều khảo sát đã cho thấy vi khuẩn này không chỉ hiện diện trên người đã được chẩn đoán VLDDTT rõ ràng mà còn ở những người chưa có dấu hiệu bệnh lý! Ở đây, việc sử dụng thành ngữ “nuôi ong tay áo” hoàn toàn chính xác.
Chữa cháy khác xa với phòng cháy
Muốn đẩy lùi VLDDTT phải cần nhiều biện pháp ở tầm vóc khác nhau. Biết là định bệnh không khó với phương tiện chẩn đoán hiện đại, chẳng hạn với phương pháp nội soi, nhưng điều đó không có nghĩa là vội vàng thực hiện nội soi đại trà khi phương pháp này không rẻ tiền và cũng gây khó chịu cho người bệnh.
Việc xác định tình trạng VLDDTT qua nội soi thường chỉ để thầy thuốc đánh giá hiệu quả điều trị hơn là cho mục tiêu chẩn đoán ban đầu. Điều đáng tiếc là ranh giới giữa áp dụng và lạm dụng rất mong manh.
Những thử nghiệm về Helicobacter, dù chỉ gián tiếp xác minh sự hiện diện của vi khuẩn này thông qua kháng thể trong máu, tuy vẫn còn đắt giá hơn nhiều xét nghiệm đặc hiệu khác, lại là điều cần thực hiện trong các chương trình thăm khám sức khỏe định kỳ.
Thêm vào đó, phòng ngừa bệnh dạ dày cũng đồng nghĩa với dự phòng biến chứng của VLDDTT, như thiếu máu do xuất huyết ngấm ngầm dai dẳng trên đường tiêu hóa, rối loạn biến dưỡng do suy giảm hấp thu, hay phản ứng phụ do dùng thuốc quá lâu... Muốn phòng ngừa hay chữa trị bệnh dạ dày đều phải nhìn rộng ra ngoài dạ dày!
Đáp án không chỉ là viên thuốc! Nếu nguyên nhân gây VLDDTT không hẳn lúc nào cũng có mối liên hệ trực tiếp với bệnh lý trên niêm mạc của trục tiêu hóa, thì không thể trông mong vào liệu pháp với một vài loại thuốc kháng chất chua trong dạ dày. Giải pháp ngăn chặn VLDDTT một cách rốt ráo rõ ràng nằm ngoài tầm tay của nhà điều trị. Giải pháp đó càng xa vời hơn nữa nếu thầy thuốc chỉ chữa dạ dày mà quên người bệnh như một tổng thể cá biệt. Nếu muốn có hiệu quả toàn diện, bất kỳ liệu pháp nào cũng phải tối thiểu hội đủ 3 yếu tố: kháng viêm loét để giảm đau cấp kỳ; bảo vệ niêm mạc dạ dày để gia tốc tiến trình hồi phục; ức chế vi khuẩn Helicobacter. Dù vậy, niêm mạc dạ dày sẽ không thể hồi phục nếu không có tác dụng hỗ tương từ nhiều phía, từ món ăn an toàn về vệ sinh cho đến cuộc sống đủ nét thư giãn, từ liệu pháp điều trị triệu chứng cho đến biện pháp phòng ngừa, trong đó nhân tố quan trọng nhất chính là người bệnh! Ngày nào người bệnh chưa ý thức được mối nguy của căn bệnh, ngày đó thầy thuốc tuy vẫn có thể chữa VLDDTT, nhưng không thể trị dứt căn bệnh. Giảm bệnh khác xa với lành bệnh! |