VN đã có kỹ thuật tiên tiến chữa bệnh mạch vành

Hẹp động mạch vành do xơ vữa là bệnh lý phổ biến, xuất hiện ngày càng nhiều. Ở Mỹ, mỗi năm có thêm 1,7 triệu người mắc bệnh mạch vành và nửa triệu người trong số đó tử vong. Ở VN, số bệnh nhân điều trị bệnh mạch vành chiếm 9,5% tổng số bệnh nhân nội trú tại Viện Tim mạch quốc gia (Bạch Mai).

“Quả bóng” tạo sự đột phá!

Có thể hình dung, các động mạch vành tim liên tục cung cấp dòng máu giàu ô xy cho khối cơ tim. Có vậy cơ tim mới đẩy đi được tới 8.000 lít máu/mỗi ngày, tưới toàn bộ cơ thể ta. Nếu những mảng xơ vữa sinh ra ở mặt trong thành các động mạch vành ấy, lại kèm huyết khối thì bít hẹp lòng động mạch gây ra bệnh lý, từ cơn đau ngực nhẹ tới những biến chứng của nhồi máu cơ tim có thể chết người. Nhồi máu cơ tim vừa nêu phải coi là một tai biến động mạch vành. Nó làm hoại tử (chết) một khu vực cơ tim do sự bít hẹp nhánh mạch vành tương ứng.

Hàng thập kỷ sau khi khám phá ra thuốc “tiêu sợi huyết” nhằm phá cục máu bít mạch vành nhưng không thành công trọn vẹn, các nhà khoa học lại nghĩ ra cách khai thông chỗ bít hẹp kia bằng quả bóng tí xíu để nong mạch vành ra. Đó là khởi đầu sự xuất hiện “tim mạch học can thiệp”. Nong mạch vành bằng bóng đã thực sự tạo ra bước đột phá mang tính cách mạng.

Tư duy khoa học luôn bị thách thức

Nong mạch vành làm nên điều kỳ diệu, nhưng nó lại gặp một thách thức lớn là sự bít hẹp trở lại (tái hẹp): Sau 6 tháng, hơn một nửa (50%-60%) trường hợp nong bị tái hẹp, thậm chí có khi đột ngột bít hẹp! Làm sao đây?  Thế là nảy sinh phương pháp đặt ngay vào chỗ mới nong một cái “khung đỡ” (stent). Đây là bước ngoặt nhảy vọt thứ hai. Tất nhiên thủ thuật phải bao gồm cả 1/4 trường hợp tử vong. Kỹ thuật này công bố năm 1987. Và từ khi nong mạch vành kèm đặt stent thì tái hẹp sau 6 tháng giảm hẳn một nửa như đã thấy ở Pháp năm 1999. Kết quả rõ ràng là quá hay. Nhưng nói “giảm một nửa” tức là vẫn còn tái hẹp! Năm 2001, thách thức tái hẹp vẫn còn là vấn đề lớn: Trong số 1,3 triệu lượt bệnh nhân/mỗi năm trên thế giới được nong mạch vành + đặt stent thì có tới 25-30% (thậm chí 50% ở bệnh nhân kèm tiểu đường) vẫn bị tái hẹp! Và sau nong mạch vành 6 tháng, số phải nong lại hoặc mổ bắc cầu khoảng 20-30%.

Một khám phá tuyệt hảo

Kết quả nghiên cứu cho thấy nguyên nhân chính của sự bít hẹp là do việc nong và việc “cấy” stent gây thương tổn nội mạch vành, làm tăng sản tế bào tân nội mạc. Về hướng chống tăng sinh sau tổn thương, đã có ít nhất 12 loại stent có phủ (tráng, tẩm) thuốc, tuy nhiên chỉ có thuốc Sirolimus được tập trung khám phá.

Đây là loại kháng sinh (Sirolimus) có sẵn trong thiên nhiên, vốn đã được dùng trong ghép cơ quan. Nó có đặc điểm ưu việt là không gây độc tế bào mà chỉ ức chế sự tăng sinh tế bào, triệt phá sự tái hẹp trong lòng stent, rất ít tác dụng phụ... Thế là, chỉ chưa đầy một năm sau hội thảo cách tẩm thuốc chống tái hẹp vào các stent mà các chuyên gia nước ngoài trình bày tại TPHCM hồi tháng 1-2002, hôm nay, đón năm mới 2003, chúng ta đã sớm có tin vui lớn: Một trong các kiểu tẩm thuốc bọc stent đó (gọi là giá đỡ CYPHER) đã tỏ ra tuyệt hảo. Lần đầu tiên năm 2001, qua nhiều thử nghiệm lớn trên thế giới với 1.919 bệnh nhân và qua sử dụng từ tháng 8-2002 cho 20 bệnh nhân ở VN (5 bệnh viện: Bạch Mai, Quân y 108, Chợ Rẫy, Thống Nhất, Viện Tim TPHCM) đã hoàn toàn chống được tái hẹp! Điều mong ước chờ đợi bấy lâu đã đến. Một tiến bộ kỳ thú có ý nghĩa xã hội và khoa học sâu sắc không thể không kể cho giới khoa học và người dân nước nhà cùng biết.

 PGT-TS Phạm Nguyễn Vinh, Phó Giám đốc Viện Tim TPHCM, Chủ nhiệm Khối nội tim mạch:

. Trên 95% các trường hợp hẹp động mạch vành tim là do xơ vữa động mạch

Các nguyên nhân chính dẫn đến xơ vữa động mạch là:

1. Bệnh nhân bị tăng huyết áp không điều trị đúng.

2. Bị bệnh đái tháo đường điều trị không đúng.

3. Có nhiều lipide trong máu vì ăn uống không gìn giữ.

4. Hút thuốc lá nhiều quá.

. Chi phí đặt stent có bọc thuốc (giá đỡ CYPHER)

Stent CYPHER mới được đưa vào sử dụng ba, bốn năm gần đây trên thế giới. Những phương tiện điều trị mới thì giá thường là mắc. Tuy nhiên ở VN, stent CYPHER rẻ hơn ở nước ngoài nhiều. Stent CYPHER thực hiện ở Viện Tim sau khi đã được giảm giá của hãng sản xuất thì chi phí là 3.614 USD cho một lần đặt và sử dụng một stent. Chi phí này có cao hơn so với sử dụng stent thông thường (khoảng 2.200 USD). Tuy nhiên, với stent CYPHER chúng tôi rất yên tâm, không lo bệnh nhân bị tái nghẽn, nhất là các trường hợp đặt cho các mạch vành quan trọng. Qua theo dõi trong 2 năm, thế giới chưa có trường hợp bị tái hẹp khi dùng stent CYPHER.

Viện Tim đã thực hiện đặt stent CYPHER cho mấy chục bệnh nhân từ 6 tháng nay, chưa gặp trường hợp nào bị tái hẹp. Tuy nhiên để có kết quả sau cùng, chúng tôi sẽ có báo cáo đánh giá sau 1 đến 2 năm.

B.P