Tăng cường giải pháp siết chặt nợ bảo hiểm
Nhiều biện pháp chế tài người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH đang được đề xuất nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động
Vừa qua, trước bức xúc của người lao động (NLĐ) Công ty TNHH May Minh Hoàng 2, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam đã phải thực hiện một việc chưa có tiền lệ: Cử đại diện vào TP HCM tìm gặp lãnh đạo doanh nghiệp (DN) này, yêu cầu đưa ra phương án giải quyết nợ BHXH. Thế nhưng, kết quả đạt được không như mong đợi.
Phớt lờ quyết định xử phạt
Theo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, Công ty May Minh Hoàng 2 đang nợ BHXH kéo dài 33 tháng của gần 250 công nhân với tổng số tiền gần 10,4 tỉ đồng. Cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra các cấp, qua đó ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, song DN này không khắc phục mà tiếp tục vi phạm pháp luật về BHXH, gây thiệt thòi quyền lợi cho NLĐ.
Trong các buổi làm việc với cơ quan chức năng và NLĐ vừa qua, Công ty May Minh Hoàng 2 cam kết sẽ trả nợ BHXH vào ngày 31-12-2025. Tuy nhiên, từ những lần "hứa lèo" với NLĐ trước đó và căn cứ tình hình tài chính hiện tại của DN, cơ quan chức năng đánh giá khả năng công ty thực hiện cam kết là rất thấp. Dù vậy, với quy định hiện hành, cơ quan chức năng rất khó thực hiện các biện pháp chế tài khác đối với DN.
Ở Quảng Nam, tình trạng DN nợ BHXH xảy ra khá phổ biến. Năm 2024, tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là hơn 205 tỉ đồng, trong đó 953 DN chậm đóng từ 3 tháng trở lên với số tiền trên 147 tỉ đồng...
Tại TP HCM, mới đây, TAND quận Tân Phú đã thụ lý 137 đơn khởi kiện đòi nợ lương, BHXH của công nhân Công ty TNHH SX-TM-DV Vinh Thông. Công ty này cũng đang nợ BHXH của NLĐ gần 3 năm, với tổng số tiền hơn 14,6 tỉ đồng.

Công nhân Công ty TNHH SX-TM-DV Vinh Thông thiệt thòi quyền lợi vì doanh nghiệp nợ BHXH
Theo BHXH quận Tân Phú, thời gian qua, DN này đã nhiều lần bị thanh tra, kiểm tra, bao gồm cả sự vào cuộc của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ). Song, các kết luận thanh tra, quyết định xử phạt đều bị DN này phớt lờ, không thực hiện.
BHXH TP HCM cho biết đến ngày 14-4, thành phố có 17.898 DN chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên. Thời gian qua, dù BHXH thành phố đã thực hiện các biện pháp thu hồi tiền chậm đóng theo thẩm quyền nhưng nhiều đơn vị không khắc phục. Đáng chú ý, nhiều DN cố tình không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Về thực trạng này, BHXH TP HCM cho rằng tuy Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định rõ thẩm quyền cưỡng chế của các chức danh thuộc ngành BHXH nhưng thực tế gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, việc tổ chức Công đoàn nhận ủy quyền của NLĐ để khởi kiện DN nợ BHXH hay xử lý hình sự người sử dụng lao động (NSDLĐ) có hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH… cũng bị vướng khiến pháp luật chưa đủ sức răn đe, gây tình trạng "nhờn" luật. Nhiều DN ngang nhiên vi phạm pháp luật, chiếm dụng tiền BHXH, đẩy thiệt thòi cho NLĐ.
Hoàn thiện các biện pháp chế tài
Để hạn chế tình trạng trên, Luật BHXH 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2025) đã sửa đổi, bổ sung các biện pháp chế tài như: Quy định rõ về hành vi chậm đóng, trốn đóng để xử phạt vi phạm hành chính hay truy tố hình sự; tính lãi chậm nộp bằng 0,03%/ngày trên số tiền trốn đóng; không xét khen thưởng các DN vi phạm…
Bộ Nội vụ đã cụ thể hóa và hoàn thiện các nội dung trên tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH 2024 về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN; khiếu nại, tố cáo về BHXH và quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH.
Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất các quy định chi tiết về trách nhiệm phát hiện và đôn đốc thực hiện đóng BHXH bắt buộc, BHTN của cơ quan BHXH; các trường hợp bị coi là chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN; biện pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng; hướng dẫn chi tiết việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHXH… nhằm phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, tại dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Công an cũng đề xuất tăng mức xử phạt lên gấp đôi đối với tội trốn đóng BHXH, BHTN. Cụ thể, người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hay không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên (số tiền trốn đóng từ 100 triệu đến dưới 600 triệu đồng hoặc trốn đóng từ 10 đến dưới 50 NLĐ), đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đến 400 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 600 triệu đến dưới 2 tỉ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 đến dưới 200 NLĐ hoặc không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hay đã khấu trừ của NLĐ theo quy định thì bị phạt tiền từ 400 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu thực hiện hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp: trốn đóng bảo hiểm từ 2 tỉ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 NLĐ trở lên; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ, sẽ bị phạt tiền từ 1 tỉ đến 2 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 - 7 năm…
Bảo vệ quyền lợi người lao động khi nghỉ việc
Để bảo vệ quyền lợi của NLĐ tại các DN nợ BHXH, BHTN, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung quy định NSDLĐ có trách nhiệm đóng đủ BHTN đối với NLĐ khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc.
Trường hợp NSDLĐ không đóng đủ BHTN cho NLĐ thì phải trả khoản tiền tương ứng với các chế độ BHTN mà NLĐ được hưởng theo quy định của pháp luật.
(Còn tiếp)